Năm 2020 được dự báo là một năm khó khăn của thị trường bất động sản khi chứng kiến nhiều bất lợi như: dịch bệnh kéo dài, tâm lý đầu tư ảnh hưởng, khan hiếm nguồn cung… Nhưng, đâu là yếu tố thực chất gây kìm hãm dòng tiền đổ vào bất động sản 2 tháng đầu năm 2020?

Yếu tố nào kìm hãm dòng tiền đổ vào bất động sản 2 tháng đầu năm 2020?

Sự “trỗi dậy” của vàng

Giám đốc Savills Việt Nam – ông Sử Ngọc Khương cho biết: Do việc khan hiếm nguồn hàng giao dịch mà hiện nay có không ít các nhà đầu tư bất động sản tìm đến những kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, cụ thể là chứng khoán, ngoại tệ và vàng.

Cùng với đó là việc giá vàng liên tục tăng cao và lập “đỉnh” trong vòng 5 năm trở lại đây cũng là một trong những nhân tốc khiến nhà đầu tư đổ mạnh vào thị trường này.

Giá nhà đất tăng cao và xuất hiện yếu tố ảo

Trong năm 2019, giá căn hộ có mức tăng trung bình từ 15 – 20% so với năm 2018. Cá biệt, tại TP.HCM ghi nhận mức tăng giá từ 30 – 40%.

Giám đốc JLL Việt Nam – bà Trang Bùi cho biết, sự khan hiếm nguồn cung chính là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà căn hộ tăng cao. Nguyên nhân khác đến từ việc chủ đầu tư lợi dụng thị trường khan hiếm để đẩy giá bán lên cao nhằm thu thêm lợi nhuận.

Chính những biến động này của thị trường khiến nhà đầu tư mang tâm lý e ngại.

Dịch Covid-19 kéo giảm nhu cầu giao dịch

Với tình hình diễn biến khó lường của dịch bệnh, rất nhiều nhà đầu tư quyết định chờ đợi động thái tiếp theo của thị trường. Do đó, không ít các dự án đã quyết định lùi ngày ra mắt nhà mẫu, thậm chí là lùi ngày mở bán. 

Trong khi đó, để chốt được giao dịch thì yếu tố quan trọng nhất là khách hàng phải được nhìn, ngắm, sờ thực tế.

Siết tín dụng vào bất động sản

Kể từ 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%. Từ tháng 10/2020 sẽ giảm xuống còn 30%. Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%.

Theo Chủ tịch HoREA – ông Lê Hoàng Châu, chính việc siết tín dụng vào bất động sản khiến cho dòng vốn của cả doanh nghiệp phát triển dự án và nhà đầu tư sẽ càng gặp khó khăn hơn. Đối với những khách hàng có  nhu cầu thế chấp sổ tiết kiệm hoặc vay mới thì việc xét duyệt sẽ diễn ra cẩn trọng và khó khăn hơn.

(Nguồn Tổng hợp)