Trong bối cảnh quỹ đất tại khu vực miền Nam đang dần khan hiếm, thị trường đang chứng kiến xu hướng mới khi một số doanh nghiệp bất động sản lớn đang lên kế hoạch để Bắc tiến. Nhiều dự báo cho rằng trong thời gian tới khu vực miền Bắc sẽ là nơi dòng tiền lớn tập kết nhiều hơn so với giai đoạn 5 năm trước.
Xu hướng “đảo chiều” của các ông lớn
Có thể nói trong giai đoạn từ 2014 – 2019, thị trường bất động sản miền Nam đã phát triển nhanh và mạnh hơn hẳn khu vực phía Bắc. Trong vòng 5 năm, nhiều chủ đầu tư lớn đã tung ra thị trường vô số các dự án tên tuổi, tuy nhiên điều đó đã bắt đầu suy giảm từ năm 2019 cho tới nay.
Gần đây, xu hướng trên thị trường bất động sản là các doanh nghiệp lớn bắt đầu quay trở lại miền Bắc để xây dựng và phát triển các dự án. Đơn cử như việc Địa ốc Phú Long của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với dự án đình đám ở phía Tây Hà Nội hay mới đây là việc tập đoàn Masterise Group thâu tóm 6 tòa nhà trong quần thể dự án khu đô thị Vinhomes Ocean Park. Bên cạnh đó một loạt các tập đoàn lớn khác như Hưng Thịnh, Nomura Real Estate, CityLand cũng đang dự kiến triển khai các dự án chung cư lớn tại Hà Nội.
Theo giới chuyên gia đánh giá, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng Bắc tiến của các doanh nghiệp bất động sản đó là quỹ đất để phát triển dự án lớn tại khu vực miền Nam đã trở nên khan hiếm hơn giai đoạn trước. Chưa kể tới việc sau một thời gian dài tăng nóng, giá trị bất động sản tại những khu vực này đều đã đạt tới một mặt bằng giá khá cao khiến cho công tác triển khai dự án như chuẩn bị đất, đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, ở miền Bắc hiện tại quỹ đất tại các tỉnh còn khá nhiều, mặt bằng giá hiện nay cũng được đánh giá là còn thấp so với tiềm năng tăng trưởng. Chính vì vậy mà gần đây xu hướng giao dịch và tìm kiếm bất động sản tại miền Bắc đang có dấu hiệu tăng cao trở lại.
Một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản Hà Nội và miền Bắc trở nên hấp dẫn đó là yếu tố pháp lý. Đa phần quỹ đất ở phía Bắc đang khá “sạch” và khi triển khai dự án chủ đầu tư sẽ ít gặp các rắc rối liên quan tới vấn đề pháp lý hơn. Trong những năm gần đây vấn đề pháp lý là lý do khiến cho hàng loạt các chủ đầu tư tại TP.HCM lâm vào tình trạng “khóc dở mếu dở” khi không thể tiếp tục triển khai dự án còn đang dang dở.
Theo xu thế hiện nay, theo các chuyên gia dự đoán không chỉ các doanh nghiệp miền Bắc quay trở lại “quê nhà” sau một thời gian dài Nam tiến, mà có thể sẽ xuất hiện cả những doanh nghiệp bất động sản miền Nam lần đầu tham gia vào thị trường miền Bắc. Điều này đem tới sự phong phú về cả nguồn cung lẫn chất lượng, dịch vụ trong các sản phẩm họ cung cấp ra thị trường trong thời gian tới. Điều đặc biệt là các khách hàng miền Bắc thường có xu hướng đánh giá cao chất lượng các công trình xây dựng do các doanh nghiệp phía Nam triển khai, đây chính là một lợi thế để các doanh nghiệp này tiếp tục “lấn sân” trong thời gian tới.
Tuy nhiên, rào cản đối với các doanh nghiệp mới lần đầu Bắc tiến đó chính là việc phải tìm hiểu thói quen của thị trường. Thị trường bất động sản miền Bắc dù sao vẫn mang những đặc thù lẫn “khẩu vị” riêng. Chính vì vậy việc tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, của các phân khúc khách hàng, từ đó cung cấp những sản phẩm phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp bất động sản miền Nam không bị tụt lại phía sau so với các doanh nghiệp “chủ nhà”.