Theo thông tin quy hoạch mà UBND tỉnh Bình Dương công bố, quốc lộ 13 -  đoạn từ trung tâm Lái Thiêu đến đường Nguyễn Văn Tiết sẽ trở thành đại lộ kinh tế, tài chính, dịch vụ trong tương lai. Bất động sản các khu vực lân cận cũng theo đó mà được hưởng lợi.

Bất động sản Bình Dương hưởng lợi từ quy hoạch quốc lộ 13

Gồm nhiều tháp biểu tượng, tài chính…

Được biết, Bình Dương là địa phương có nhiều thành phố nhất ở khu vực phía Nam với: Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một. Trong đó, thành phố Thuận An sở hữu cơ sở hạ tầng và dịch vụ được đánh giá là rất tốt tại Bình Dương với: 3 cơ sở y tế nước ngoài, 2 trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, khu công nghiệp quốc tế đầu tiên ở Việt Nam…

Đáng chú ý, đây cũng là địa phương duy nhất tại Bình Dương có bước chuyển mình từ thành phố công nghiệp sang trung tâm dịch vụ của tỉnh theo đề án quy hoạch xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt. Căn cứ trên các mục tiêu đó, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định quy hoạch trục quốc lộ 13 đoạn từ trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết trở thành đại lộ kinh tế, tài chính, dịch vụ sầm uất.

Nằm dọc hai bên đại lộ sẽ là các tòa tháp biểu tượng, tòa tháp tài chính, cơ sở giáo dục, y tế, khách sạn, văn phòng, khu dịch vụ… Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tập trung đẩy mạnh tốc độ triển khai các dự án quy mô như: Trường Đại học Thủy Lợi; Trường Việt Nam – Singapore; trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao với tổng kinh phí lên tới hàng nghìn tỉ đồng, quy mô từ 10 – 15 ha; bệnh viện quốc tế với kinh phí hơn 200 triệu USD...

Xung quanh đại lộ này cũng được đầu tư phát triển thành 5 trung tâm thương mại cấp đô thị và nhiều công trình phụ trợ gồm: Trung tâm 1 tại khu vực Lái Thiêu; Trung tâm 2 tại khu vực ngã tư quốc lộ 13 và đường An Thạnh – Bình Dương; Trung tâm 3 nằm dọc theo đường DT473 và ngã 5 An Phú; Trung tâm 4 và 5 thuộc trục ngang Lái Thiêu - Dĩ An với trục Bình Hòa - Vĩnh Phú và ngã tư quốc lộ 13.

Trong năm 2021, UBND tỉnh dự kiến đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng cho công tác mở rộng lộ giới quốc lộ 13, đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến giáp ranh TP Thủ Dầu Một lên 64m; lộ giới đường DT743a, DT743b lên 54m; đường DT743c mở rộng lên 42m.

Động lực thúc đẩy thị trường bất động sản

Phó Giám đốc Khối Đầu tư CBRE – ông Trần Minh Tú cho biết: Việc quy hoạch trục đường nằm trong chiến lược phát triển Thuận An, từ thành phố công nghiệp lên trung tâm dịch vụ lớn bậc nhất tại Bình Dương. Qua đó, thu hút dòng tiền khổng lồ của các ông lớn đổ về đầu tư, phát triển hạ tầng và thị trường bất động sản.

Ông Tú cho rằng, nhờ vào quy hoạch bài bản và yêu cầu khắt khe, tỉnh Bình Dương sẽ có những công trình mang tính chất biểu tượng, tạo điếm nhấn cho cảnh quan thành phố. Ngoài ra, các công trình phức hợp đô thị và thương mại này sở hữu chuỗi tiện ích đa dạng, cao cấp sẽ đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại trong xu thế phát triển chung.

Xét trên một phương diện khác, việc sớm hoàn thiện đại lộ kinh tế, tài chính, dịch vụ sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản Thuận An nói chung và khu vực quốc lộ 13 nói riêng phát triển. Sau khi tính toán và phân tích diễn biến ở các mô hình tương tự tại TP.HCM, tỷ lệ tăng giá bất động sản khu vực này trong tương lai có thể tăng từ 25 – 30%/năm, ông Tú nhấn mạnh.