Khó đền bù giải toả, vướng thủ tục pháp lý… là những lý do chính khiến cho các doanh nghiệp xây dựng không còn mặn mà với các dự án cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là những chung cư tại các quận trung tâm của thành phố.

Vướng thủ tục pháp lý, nhiều dự án cải tạo chung cư cũ bị bỏ ngỏ

Hàng loạt chung cư cũ đã xuống cấp, cần được cải tạo

Theo tìm hiểu của odt.vn, tại khu vực Quận 1, TP.HCM, có đến 98 lô chung cư cũ đã xuống cấp, cần được cải tạo. Trong đó, có 90 lô chung cư đã được Tập đoàn C.T Group đăng ký tham gia cải tạo. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn hợp tác đầu tư xây mới chung cư cũ trên đường Kỳ Đồng (Quận 3) với Công ty Quản lý vốn nhà nước TP.HCM (HFIC).

Ngoài Tập đoàn C.T Group, danh sách các doanh nghiệp xin thực hiện những dự án cải tạo chung cư cũ ở Quận 1 còn có: Liên danh Vinaconex - Hoàng Sơn - Quân Anh; Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo; Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc; Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận… Riêng chung cư cũ tại địa chỉ số 155 - 157 Bùi Viện, Tập đoàn Novaland xin làm chủ đầu tư xây dựng mới thay vì cải tạo. Cùng với đó, Novaland cam kết trong thời gian 30 tháng kể từ khi được giao đất, doanh nghiệp này sẽ hoàn thành việc xây dựng và bàn giao công trình.

Tại khu vực Quận 3, danh sách các chung cư cũ cần được sửa chữa, cải tạo kéo dài đến 45 con số. Trong đó, cả 11 lô của chung cư Nguyễn Thiệt Thuận được Tập đoàn Novaland ngỏ ý muốn cải tạo. Bên cạnh đó, còn đến 29 doanh nghiệp khác cũng đăng ký nhận dự án đầu tư mới như: Phúc Khang, Hưng Thịnh, Him Lam Land….

Một trường hợp không thể không nhắc đến là cụm 8 chung cư thuộc cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa xong thủ thục pháp lý để tiến hành xây dựng, mặc dù từ năm 2010 đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng lại.

Trước đó, cuối tháng 4,2019, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thanh Đa đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho đầu tư và yêu cầu nộp hồ sơ để công nhận chủ đầu tư dự án.

Cùng với đó, Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thanh Đa phải khẩn trương hoàn tất việc lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thủ tục chấp thuận đầu tư dự án. UBND TP.HCM sẽ thu hồi chủ trương thực hiện dự án nếu đến tháng 12/2020 doanh nghiệp này chưa hoàn thành thủ tục chấp thuận đầu tư dự án để được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Khó có cơ hội sinh lời

Dân số đông, trong khi phần lớn chung cư cũ có diện tích đất nhỏ nên các doanh nghiệp đánh giá là khó sinh lời. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc cải tạo, xây dựng mới các dự án chung cư cũ bị chậm.

Giám đốc Kinh doanh của Công ty Tecco – ông Nguyễn Văn Cường cho biết, thực tế khi cải tạo chung cư cũ, không dễ dàng đạt được tỷ lệ đồng ý 100% của cư dân. Do vậy, khó đi đến tiếng nói chung đối với việc thoả thuận phương thức bồi thường. Từ đó, mất nhiều thời gian hơn và chủ đầu tư nhận về nhiều áp lực lớn. Đó cũng là lời lý giải vì sao với nhiều chung cư cũ, việc thỏa thuận bồi thường kéo dài từ 5 - 10 năm vẫn chưa giải quyết xong.

Bên cạnh nguyên nhân trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – ông Lê Hoàng Châu chia sẻ thêm: Nhiều năm trước, các chung cư cũ đều có chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì thời gian chờ đợi việc di dời người dân quá lâu nên doanh nghiệp đành bỏ đi.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)