Mặc dù TP HCM mới đây đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao để tổ chức thực hiện 8 nhóm hoạt động, tuy nhiên việc thành lập Thành phố phía Đông vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Vướng mắc trong việc thành lập Thành phố phía Đông TP.HCM

Khó khăn và vướng mắc

Được biết trong Đề án chính quyền đô thị năm 2013, ý tưởng thành lập Thành phố phía Đông đã được TP.HCM đề xuất thông qua việc thành lập 4 thành phố vệ tinh ở 4 hướng. Tuy nhiên lúc đó trung ương đã không chấp thuận ý tưởng này.

Hiện Thành phố vẫn đang gấp rút hoàn thành Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị lần thứ hai để trình trung ương trong quý 3/2020. Trong đó việc tổ chức lại quận 2, 9, Thủ Đức theo hướng thành lập "thành phố thuộc TP.HCM". Theo đề án, Thành phố phía Đông sẽ có diện tích dự kiến là hơn 22.000 ha, quy mô dân số hơn 1,1 triệu dân.

Tuy nhiên, ý tưởng này có vẻ một lần nữa lại gặp vướng khi mới đây Bộ Xây dựng cho rằng "chưa có cơ sở pháp lý". Lý do là trong Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chưa đề cập tới các vấn đề của việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố.

Ngoài ra khu vực dự kiến hình thành đô thị nằm trong đề án chưa được nếu rõ có thuộc chương trình phát triển đô thị được nghiên cứu, trình phê duyệt hay chưa. Nếu không nằm trong Quy hoạch chung TP HCM được Thủ tướng duyệt tại Quyết định 24 thì sẽ khó có cơ sở để thực hiện.

Chuyên gia lĩnh vực quy hoạch đô thị - KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng nhận định: "Để thực hiện thành công mô hình này cần rõ ràng về mặt cơ chế. Tức là những thành phố trong thành phố sẽ có bộ máy, hướng phát triển, nền tảng pháp lý phù hợp nhưng vẫn theo định hướng, chiến lược chung của siêu đô thị; giữa thành phố lớn và thành phố nhỏ có sự phối hợp nhịp nhàng".

Các chuyên gia và nhà quy hoạch đều cho rằng khu vực phía Đông TP.HCM có nhiều tiềm năng và điều kiện cần để lập thành phố, tuy nhiên phải có chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này thì mới có thể đưa đề án trở thành hiện thực.

(Tổng hợp bởi odt.vn)