Trong dịch bệnh người dân càng có xu hướng muốn “găm” tiền vào bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà liền thổ. Bên cạnh các yếu tố khách quan như dịch bệnh, thì nguồn cung mới ít ỏi cũng khiến cho giá nhà liên tục leo thang trong thời gian qua.
Giá vẫn tăng bất chấp dịch bệnh
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Savills Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm nay giá nhà liền thổ tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận, đặc biệt là phân khúc nhà phố thương mại, biệt thự liền kề đã tăng giá khoảng 13 – 15% so với trước đó. Bất chấp rằng trước đó là cả một giai đoạn tăng giá kéo dài của bất động sản TP.HCM và các địa phương miền Nam, giá nhà vẫn có xu hướng thiết lập các mặt bằng giá mới. Theo bà Võ Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam đánh giá có một số nguyên nhân chính gây ra tình trạng đó, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong tâm lý người dân Việt Nam luôn coi bất động sản, đặc biệt là bất động sản liền thổ là kênh đầu tư an toàn và sinh lợi trong dài hạn. Dịch bệnh càng phức tạp, tâm lý bất an khiến cho người dân càng đổ tiền vào đất để trú ẩn. Trong suốt nhiều thập niên hình thành của thị trường bất động sản, đa số đều tin rằng chỉ có “người đẻ thêm chứ đất không đẻ”, chính vì vậy bất động sản luôn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu trong tâm trí người dân. Chính bởi vậy mà trong thời gian qua, các bất động sản có pháp lý hoàn chỉnh luôn được săn đón và thuộc dạng có thanh khoản tốt nhất trên thị trường.
Thứ hai, nhu cầu của người dân luôn lớn nhưng nguồn cung mới rất ít ỏi. Đó chính xác là thực trạng đã tồn tại ở TP.HCM suốt mấy năm gần đây, khiến cho một số nơi giá cả bị đẩy lên quá cao. Hiện tới hết quý 2 cả nước chỉ ghi nhận gần 800 căn liền kề, biệt thự và nhà phố thương mại, con số này giảm tới hơn 40% so với năm ngoái. Do yếu tố cung – cầu, giá bất động sản liền thổ tăng lên trên thị trường thứ cấp là điều rất dễ hiểu. Các chuyên gia cho rằng tình trạng khan hiếm nguồn cung có thể sẽ kéo dài cho tới cuối năm nay bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường. Trong bối cảnh hiện nay, ít có chủ đầu tư nào dám mạo hiểm triển khai các dự án mới.
Nguyên nhân thứ ba được cho là yếu tố tích cực nhất tác động lên giá của thị trường bất động sản, đó chính là sự phát triển vượt bậc của hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong đó đặc biệt là giao thông liên vùng, các tuyến cao tốc, đường liên tỉnh luôn được quan tâm và phát triển đã kích thích bất động sản vùng ven và các địa phương vệ tinh. Các chuyên gia nhận định, sự phát triển đồng đều của hạ tầng đã khiến cho sự phát triển của thị trường bất động sản trở nên cân xứng hơn. Trước đây, chỉ những khu vực có hạ tầng đồng bộ thì bất động sản liền thổ mới có giá trị, gây nên sự bất đối xứng cho một số quận, huyện và khu vực.
Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến cho đường xá được mở rộng hơn về các khu vực trước đây kém phát triển. Đơn cử như thập kỷ trước, các quận huyện vùng ven TP.HCM như quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) hoặc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi giá đất còn khá “mềm” thì nay đều tăng lên nhiều lần do tốc độ đô thị hóa.
Trước diễn biến của thị trường hiện nay, các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng giá của phân khúc nhà liền kề, biệt thự sẽ còn tiếp tục diễn ra trong các năm sắp tới bởi nhu cầu và sự tăng tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ. Tuy nhiên trong ngắn hạn, nửa cuối năm nay giá cả có thể chững lại do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4.