Số lượng nhà đầu tư đang găm hàng buộc phải bán ra để cơ cấu lại khoản vay đã tới kỳ phải thanh toán tiền lãi và gốc được ước tính có thể khiến giá bất động sản giảm từ 5 – 10% trong thời gian sắp tới.
Thị trường đang tê liệt trong ngắn hạn
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng làn sóng Covid–19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn hẳn các đợt bùng phát trước kia, khiến cho thị trường bất động sản đang đứng trước áp lực lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt tại thị trường thứ cấp (mua đi – bán lại), nơi nhà đầu tư thường có sức chịu đựng kém hơn nay đang đứng trước nguy cơ phải giảm giá để có thể bán được.
Trước tình trạng hạn chế đi lại tại gần như toàn bộ các tỉnh xung yếu ở phía Nam và một số tỉnh phía Bắc, thị trường bất động sản những nơi đó gần như rơi vào trạng thái “tê liệt” tạm thời. Việc không thể di chuyển đã khiến cho lượng thanh khoản của bất động sản trên thị trường thứ cấp giảm sốc tới hơn 90%. Theo ghi nhận, số lượng các mặt hàng bất động sản được chào bán khá lớn nhưng lực cầu hấp thụ hiện chưa xuất hiện do còn nhiều lo ngại. Giới đầu tư hiện nay đang có tâm lý an toàn hơn sau một đợt tăng nóng hồi đầu năm, cũng như lo ngại tình trạng Covid – 19 còn đang diễn biến phức tạp.
Theo ông Nguyễn Việt Tú, CEO của Công ty Bất động sản Phát Đạt cho biết, hiện số lượng nhà đầu tư có dòng tiền ổn định và đầu tư dài hạn chiếm khoảng 80% thì cũng còn khoảng từ 10 – 20% những nhà đầu tư mang tính chất “mạo hiểm”. Đây là những nhà đầu tư “lướt sóng” và sử dụng đòn bẩy khá lớn trong giai đoạn nóng sốt vừa qua. Số lượng các nhà đầu tư này tuy chiếm lượng nhỏ hơn nhưng với việc dùng đòn bẩy cao, cùng lúc thị trường “đóng băng tạm thời” như hiện nay sẽ rất dễ bị tác động tâm lý dẫn tới việc họ có thể sẽ buộc phải giảm giá để thoát hàng.
Áp lực trả lãi vay hàng tháng là khá lớn, điều này có thể sẽ được giải quyết dễ dàng trong lúc thị trường vận hành trơn tru, tuy nhiên trong giai đoạn này thì càng đến gần ngày phải đóng lãi theo tiến độ càng khiến nhà đầu tư trở nên bất an. Trong thời gian tới, sẽ có thể xuất hiện 2 nhóm nhà đầu tư có khả năng cao sẽ hành động “giảm giá” để có thể cơ cấu lại khoản vay. Theo ông Tú nhóm thứ nhất là những nhà đầu tư có tài sản là bất động sản giá trị lớn 20 tỷ và đang cần nguồn tiền để xoay sở, nhóm này có khả năng sẽ chấp nhận giảm giá từ 7 – 10% để có thanh khoản. Nhóm thứ 2 theo ông Tú là những nhà đầu tư sở hữu nhiều hơn 1 bất động sản có giá trị từ 1 – 3 tỷ đồng, bất động sản của nhóm này có khả năng thanh khoản tốt hơn do đó biên độ giảm cũng thấp hơn nhóm 1 từ 3 – 5%.
Vị chuyên gia này dự báo, trong thời gian sắp tới, đặc biệt là tháng 7 sẽ là thời điểm đỉnh dịch lên cao nhất, cũng là giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng giao dịch nhất trong năm theo quan niệm truyền thống, chính vì vậy có khả năng sẽ xuất hiện những bất động sản có giá rao bán thấp hơn so với thường lệ. Đây được coi là thời điểm tốt để các nhà đầu tư có nguồn vốn dày săn tìm các bất động sản có tiềm năng tăng giá trong dài hạn.
Dù vậy, các chuyên gia cũng nhận định trong giai đoạn từ nay cho tới cuối năm 2021, tình hình thị trường bất động sản còn phụ thuộc khá lớn vào kết quả chống dịch của Việt Nam. Nếu làn sóng dịch lần thứ 4 này được kiểm soát và không gây quá nhiều thiệt hại thì tâm lý của giới đầu tư cũng sẽ được giải tỏa phần nào, đó sẽ là điểm tựa cho giai đoạn tăng tốc thường diễn ra vào cuối năm. Ngược lại nếu dịch bệnh kéo dài, có khả năng thị trường bất động sản sẽ còn gặp áp lực lớn hơn nữa.