Mới đây tại buổi hội thảo bàn về thực trạng và diễn biến của thị trường bất động sản Việt Nam do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng thị trường vẫn còn nhiều cơ hội phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Chính sách mới sẽ có tác động tích cực
Trong thời gian từ nay tới cuối năm 2021, nhiều chính sách mới sẽ được ban hành giúp cho thị trường bất động sản Việt Nam hoạt động ổn định hơn. Cụ thể, các nghị định có liên quan tới hoạt động kinh doanh bất động sản như Nghị định 76 đã được Chính phủ ban hành, tuy nhiên Bộ xây dựng cho biết sẽ trình sửa đổi một số quy định cụ thể với mục đích làm lành mạnh hơn các hoạt động giao dịch, mua bán đất nền. Dự kiến trong giai đoạn cuối năm nay có thể sẽ ban hành.
Trước đó, nghị định 117 về quản lý thông tin liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đã được ban hành, mặc dù vậy trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả. Thực trạng hiện nay là thông tin chuẩn thì chậm và thiếu, trong khi đó tin giả, tin không chính xác thì được tung ra rất nhanh và nhiều. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đánh giá, nhận định của các thành viên trên thị trường bất động sản, có thể gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng. Chính vì vậy sắp tới nghị định 117 cũng sẽ được Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ sửa đổi một số điều, nhằm phát huy cao hơn trong thực tiễn.
Theo thông tin từ cuộc hội thảo, Chính Phủ sẽ trình lên Quốc hội về việc sửa đổi Luật đất đai vào năm trong năm 2022, cùng với đó là Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản. Các chuyên gia cho rằng, một khi cả 3 luật này đồng thời được thông qua thì sẽ có tác động lớn lên thị trường bất động sản Việt Nam. Các thay đổi sẽ đến từ năm 2022 khi nhiều khúc mắc, khó khăn dần được tháo bỏ. Một số đề xuất liên quan tới việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương cũng được chú ý trong thời gian tới, khi đó các địa phương sẽ tự chủ hơn nữa trong các chính sách xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư.
Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho rằng dù đang gặp phải thách thức lớn do đại dịch Covid – 19, nhưng về dài hạn các mục tiêu tăng trưởng và tiềm năng của bất động sản Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao các địa phương đang mạnh dạn đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án bất động sản theo định hướng và tầm nhìn 10 năm tới. Nhờ sự ủng hộ của Chính phủ, hiện nay dòng vốn ngoại vẫn liên tục đổ mạnh vào Việt Nam, điều này góp phần giúp cho các khu công nghiệp ngày một phát triển vững mạnh hơn.
Đặc biệt tại một số tỉnh đi đầu về phát triển công nghiệp, mô hình phát triển theo cụm liên kết, nâng cấp các chuỗi cung ứng chuyên nghiệp và phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp công nghệ cao đang ngày một được khuyến khích. Đây thực sự đang là bệ đỡ cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại và trong tương lai sắp tới, khi Việt Nam được cho sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho chuỗi cung ứng toàn cầu vào thập kỷ tới.
Trong bối cảnh mới, các chuyên gia cũng nhấn mạnh ngoài việc sửa đổi các cơ chế, chính sách theo hướng tích cực hơn thì các doanh nghiệp và chủ đầu tư cũng cần phải thay đổi về mô hình kinh doanh, sao cho phù hợp với khẩu vị của khách hàng cũng như những xu thế phát triển bất động sản mới hiện nay.