Tại hội thảo “Bất động sản 2021 & Sự trỗi dậy của những thị trường mới”, Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam – ông Nguyễn Văn Đính nhận định, các nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đang chuyển hướng sang các khu vực khác.

Vì sao giới đầu tư địa ốc “từ bỏ” thị trường Hà Nội và TP.HCM?

Đi tìm nguyên nhân

Về phía ông Đính, lý do được ông đề cập đến là nguồn cung bất động sản tại 2 địa phương này gần như cạn kiệt. Riêng với phân khúc căn hộ chung cư, tại TP.HCM, trong 2 năm gần đây không đón nhận bất kỳ dự án mới nào được mở bán. Giá mua lại có xu hướng tăng cao, bình quân tăng 5 - 7%, thậm chí có khu vực trên 10%. Về bản chất, nhà đầu tư sẽ “đổ tiền” của mình vào thị trường nhiều tiềm năng, giá còn ở ngưỡng thấp, có như vậy khả năng sinh lời mới cao.

Tại thành phố Hà Nội, tình hình cũng không khả quan hơn. Khả năng sinh lời của nhà đầu tư gần như bằng không vì giá chung cư đã đạt đỉnh. Phần lớn những người tìm mua hiện tại là người có nhu cầu thực. Nếu vẫn muốn đầu tư thì phải chấp nhận hàng hiếm giá cao, tính thanh khoản thấp. Nếu lướt sóng thì hòa vốn là may chứ đừng nói đến là có lãi.

Nói về thị trường sẽ đón nhận “làn sóng” chuyển dịch này, ông Đính cho rằng đó không phải các địa phương đã phát triển mạnh về bất động sản du lịch như Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Nha Trang mà là những khu vực tận dụng được lợi thế từ cảnh đẹp tự nhiên, cùng các chính sách cởi mở, thu hút đầu tư. Đơn cử là Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình…

Về phía TS. Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, ông đưa ra hai nguyên nhân của sự dịch chuyển. Một là, các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã làm thay đổi diện mạo của các địa phương như Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình… nhờ vào việc đầu tư nhiều dự án lớn. Hai là, các địa phương này đã chú trọng đến công tác phát triển hạ tầng giao thông, tạo tiền đề cho bất động sản thu hút đầu tư.

Xét trên khía cạnh địa phương, Phó Chủ tịch UBND Bình Định - ông Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ, tỉnh đã chủ động trong việc lập quy hoạch, có bước đi đúng đắn, phù hợp với thị trường để thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản.

Theo ông Thanh, quy hoạch chung của thành phố Quy Nhơn và quy hoạch chi tiết các phân khu được tỉnh tính toán cẩn thận, vừa đảm bảo yêu cầu hiện tại, vừa thể hiện được tầm nhìn trong tương lai.

Chúng tôi làm đầy đủ, có sự thống nhất, đồng bộ về quy hoạch để các nhà đầu tư an tâm. Ngoài ra, việc đầu tư kết nối hạ tầng cũng được chú trọng. Từ năm 2010 đến nay, Bình Định đầu tư rất lớn cho hạ tầng. Đơn cử như sân bay Phú Cát đang tiếp nhận 10 chuyến bay mỗi ngày. Tỉnh còn có tuyến đường sắt Bắc – Nam, các cảng biển, phục vụ mọi nhu cầu giao thông, ông Thanh cho hay.

Hiện tại, tỉnh đã mở xong một số trục đường kết nối Quy Nhơn với các khu vực lân cận để phát triển hạ tầng đô thị và phục vụ du lịch. Địa phương cũng rất chú trọng phát triển môi trường sinh thái, chỉnh trang mỹ quan đô thị, đã có những hoạt động đầu tư cho hệ thống đường, cây xanh, xử lý nước thải…

Cuối cùng, ông Thanh không quên nhấn mạnh rằng, việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là một trong những lý do khiến địa phương hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.

(Tổng hợp odt.vn)