Giá nhà đất ngày một leo cao khiến cho giấc mơ sở hữu ngôi nhà đối với nhiều người ngày càng khó khăn. Nguyên nhân một phần cho thực trạng trên chính bởi tâm lý thích sở hữu nhà đất của người Việt, khiến cho nhu cầu không ngừng tăng.
Tâm lý “an cư lạc nghiệp”
Cách đây vài năm, anh Tùng có nhu cầu mua 1 căn hộ nhỏ tại khu vực các quận mới tại Hà Nội. Với số vốn lúc đó chỉ vỏn vẹn 500 triệu, dù đã bỏ công sức đi xem hàng tháng trời, nhờ cả môi giới lẫn tự mình tìm kiếm đều không thể tìm được căn hộ vừa ý. Anh Tùng đành phải tiếp tục thuê nhà trong thời gian tiếp tục tìm kiếm, cũng chính lúc này anh được người nhà dưới quê mách cho một lô đất nền khá tiềm năng gần trung tâm của xã. Phần vì nản chí vì tìm mãi không được căn hộ ưng ý, phần vì thấy lô đất đó vừa sức với mình nên anh Tùng đã quyết định xuống tiền mua lô đất đó, gác lại dự định mua nhà trên thành phố.
Bẵng đi một thời gian sau, lô đất của anh được người ta trả giá cao gấp đôi bởi gần đó chuẩn bị xây thêm 1 bệnh viện cơ sở 2 của tuyến trung ương, tuy đã lãi gấp đôi sau 1 thời gian ngắn nhưng anh Tùng quyết định không bán, dự định sau này sẽ về đó vừa ở vừa kinh doanh. Tuy nhiên, đến năm ngoái, khi lô đất của anh được người ta trả giá 1,6 tỷ, tức cao hơn gấp 3 lần giá anh mua vào cách đây 2 năm thì anh và vợ đã quyết định bán.
Với số tiền thu về từ bán lô đất dưới quê, cộng thêm số tiền tiết kiệm trong vòng 2 năm qua, anh đã tìm mua được 1 căn hộ chung cư thuộc loại tầm trung ở ngoại thành Hà Nội. Nói về tương lai, anh Tùng cho biết vẫn mong muốn sở hữu thêm 1 bất động sản khác tại Thủ đô để dành sau này cho con. Theo anh, giá đất ngày một leo cao vì số lượng người nhập cư lên thành phố ngày càng lớn, nếu có cơ hội mình phải mua ngay để cho con cái sau này đỡ phải vất vả kiếm chỗ ở. Nhiều người cũng có cùng quan điểm với anh khi cho rằng, chỉ khi nào chất lượng cuộc sống tại các tỉnh tương đương với các thành phố lớn, cùng với đó là đảm bảo được công ăn việc làm cho con em họ, thì lúc đó nhu cầu mua nhà tại Hà Nội và TP.HCM mới có thể giảm đi được.
Ngoài những người trẻ đang cố gắng tích lũy để có thể mua được một ngôi nhà làm nơi “an cư” thì tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM luôn có rất đông một bộ phận người dân có tài chính dư dả tìm mua các bất động sản thứ 2, thứ 3, thậm chí rất nhiều để làm “của để dành”. Với họ, bất động sản không chỉ là nơi giữ tiền, mà còn là “món quà” để lại cho con cháu mà càng ngày càng có giá trị. Không những thế, những người này còn có xu hướng thích sở hữu các bất động sản thứ 2 để làm nơi nghỉ dưỡng như kiểu nhà vườn.
Theo các chuyên gia, tâm lý tích lũy đất đai của người dân Việt Nam đã tồn tại từ hàng bao đời nay, chính điều này đã ăn vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ. Đây là nguyên nhân chính khiến cho việc đầu cơ đất đai ngày một nhiều, khiến cho giá đất lên cao quá khả năng chi trả của những người lao động có thu nhập khiêm tốn. Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên có chính sách để hạn chế việc đầu cơ đất đai, khiến cho việc “người ăn không hết, người lần chẳng ra” như hiện nay.
Các số liệu từ Tổng Cục thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam không thể đuổi theo kịp tốc độ tăng của giá đất. Chỉ trong vài năm trở lại đây, giá đất tại nhiều nơi đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần trước đó. Điều này đang trở thành thách thức cho những người có giấc mơ sở hữu nhà nếu chỉ dựa vào quá trình tích lũy và tăng thu nhập. Nếu chúng ta không thể giải quyết bài toán này, về lâu dài có thể ảnh hưởng lớn tới vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam.
(Tổng hợp bởi odt.vn)