Đại dịch Covid – 19 gần như không làm cho giá bất động sản Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung giảm xuống, mà thậm chí một số nơi ở Hà Nội còn có dấu hiệu tăng giá cục bộ một cách rất bất bình thường.
Tăng giá ảo hay nhu cầu thật lớn?
Với việc xuất hiện dự án chào bán căn hộ chung cư ở ngoại thành Hà Nội với mức giá lên tới 60 triệu đồng/m2, nhiều chuyên gia đã cho rằng đây chỉ là hiện tượng cá biệt trên thị trường, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng hiện nay đang có xu hướng đẩy giá lên một mặt bằng mới. Lý giải cho việc giá đất tăng bất thường như vậy, bà Đỗ Thu Hằng đến từ Savills Hà Nội cho rằng do nguồn cung ngày càng hạn hẹp và nhu cầu của người dân vẫn lớn, khiến cho giá bất động sản khó có thể giảm sâu.
Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh bậc nhất Châu Á cũng khiến cho thị trường bất động sản được hưởng lợi. Các thống kê chỉ ra rằng, cho tới năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của nước ta đã đạt 37%, mặc dù vậy con số này vẫn khá khiêm tốn so với các nước đang phát triển tại Châu Á.
Dữ liệu về nhân khẩu học cũng ủng hộ thị trường bất động sản trong thời gian tới khi mà quy mô hộ gia đình trẻ tách ra ở riêng sẽ ngày một nhiều. Dân số Việt Nam đang ở mức 96,7 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên trên 100 triệu người chỉ trong vòng 10 năm tới. Đi cùng với sự gia tăng dân số còn là số lượng những người giàu có cũng tăng trưởng mạnh, tầng lớp trung lưu khá giả có đủ khả năng chi trả cho mức phí cao của bất động sản đô thị sẽ ngày một nhiều hơn.
Nhu cầu luôn trong xu hướng tăng trong khi đó quỹ đất đô thị ngày một khan hiếm chính là lý do khiến cho giá bất động sản khó giảm sâu. Mặc dù vậy, với diễn biến trong giai đoạn cuối năm 2020 cho thấy làn sóng tăng giá bất động sản Hà Nội có những dấu hiệu “không bình thường”. Theo các chuyên gia nhiều kinh nghiệm cho biết, nếu giá bất động sản tăng 3 – 5% / năm thì được coi là ổn định, còn nếu vượt xa mức này là đã có dấu hiệu đầu cơ hoặc thổi giá của các chủ đầu tư hoặc giới cò đất chuyên nghiệp.
Hiện nay giá bất động sản ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang ở mức rất cao so với thu nhập bình quân đầu người của đa số người dân. Điều này khiến cho mong muốn sở hữu nhà ở đã vượt quá tầm với của nhiều người, đặc biệt là những lao động có thu nhập trung bình. Tình hình này nếu còn tiếp diễn trong thời gian dài có thể xảy ra nhiều hệ lụy và gây áp lực lớn tới xã hội.
Một trong những nguyên nhân khiến cho giá nhà ngày một tăng đó là người mua cuối hiện nay đang phải gánh những chi phí phát sinh rất vô lý thay cho chủ đầu tư. Đơn cử như một dự án chậm tiến độ trong thời gian dài do năng lực của chủ đầu tư hoặc do yếu tố chính sách, điều này đã khiến cho giá thành xây dựng dự án đó bị đội lên trong quá trình chờ đợi. Tuy nhiên những giá trị tăng thêm đó đều được chủ đầu tư tính vào giá chào bán ra thị trường, khi đó người mua luôn luôn là người gánh những chi phí phát sinh này.
Bên cạnh đó nguồn cung căn hộ giá rẻ cũng ngày một khan hiếm do chi phí đất đai tăng nhanh. Đây là hệ lụy của những cơn tăng giá bất động sản một cách “vô tội vạ” khiến cho chi phí giải phóng mặt bằng lớn, khi đó doanh nghiệp dù có muốn cũng khó có thể triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội dành cho người lao động.
Nói về vấn đề này, gần đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cho ý kiến về việc phải tăng cường kiểm soát ở mức độ quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản. Ngoài ra sẽ tạo điều kiện về cơ chế chính sách để sắp tới đây thị trường có nhiều hơn những dự án có mức giá trung bình thấp, đặc biệt là ở những khu vực ngoại ô của các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
(Tổng hợp bởi odt.vn)