Trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Lê Quang Hùng cho biết, Bộ đang đề xuất một số cơ chế, chính sách cho nhà ở giá rẻ, nhà ở dưới 45m2 để giải quyết tình trạng giá nhà vượt quá khả năng chi trả của đại đa số người dân.
3 giải pháp của đại diện Bộ Xây dựng
Theo ông Hùng, dù giá nhà được điều tiết và quyết định bởi thị trường nhưng Nhà nước vẫn cần có những chính sách để đảm bảo người dân thu nhập thấp và thu nhập trung bình có cơ hội sở hữu một nơi để ở. Vì vậy, ông Hùng đưa ra 3 giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội trong khoảng giá từ 15 - 20 triệu đồng/m2. Ông Hùng cho biết, Việt Nam hiện tại đã có đầy đủ cơ chế, chính sách để phát triển loại hình này. Vấn đề cốt lõi trong tương lai là tiếp tục đẩy nhanh các dự án để tăng lượng căn hộ lưu thông vào thị trường.
Hai là, đề xuất thêm loại hình nhà ở thương mại giá rẻ. Những căn nhà này được phép xây dựng dưới 45m2 nhằm tạo nguồn cung cho phân khúc tầm trung tiệm cận với khả năng sở hữu của hộ gia đình.
Ba là, với nhà ở thương mại thông thường, có giá khoảng 30 - 45 triệu đồng/m2, ngoài việc tìm cách tăng nguồn cung, cần phải minh bạch hoá thông tin để người mua có thể trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư, tránh qua các môi giới, đầu nậu.
7 giải pháp tổng thể của HoREA
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về các giải pháp để bình ổn giá nhà trong bối cảnh liên tục tăng cao trong 5 năm vừa qua.
Cụ thể, HoREA đưa ra 7 gói giải pháp tổng thể, bao gồm: Thay thế quy định thu tiền sử dụng đất bằng sắc lệnh thuế; chuẩn hóa quy trình 4 bước đầu tư dự án; giảm thu tiền bảo vệ đất lúa; hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội; phát triển đề án nhà ở thương mại giá thấp; tạo môi trường kinh doanh minh bạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và quản lý dự án.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng thừa uỷ quyền Chính phủ đã chỉ rõ, dù được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực nhưng nguồn cung nhà ở hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá cao nhưng thiếu sản phẩm bình dân.
Theo số liệu Bộ Xây dựng, nhu cầu người dân với thuộc phân khúc nhà ở trung, cao cấp (giá trên 25 triệu đồng/m2) chỉ chiếm 20 – 30% thị trường và tập trung phần lớn ở các đại đô thị. Với phân khúc bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) thì con số này lên đến 70 - 80%.
Trong khi đó, giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà liên tục tăng so với thời điểm cuối năm 2019. Mức giá này được cho là chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực, cũng như không phù hợp với thu nhập trung bình của người dân.
(Tổng hợp bởi odt.vn)