Nhiều chuyên gia đánh giá bất động sản Việt Nam trong giai đoạn trung và dài hạn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao, trong đó sẽ có sự phân hóa ở một số phân khúc.

Bất động sản sẽ tăng mạnh trong trung và dài hạn

Nhiều yếu tố hỗ trợ bất động sản phát triển mạnh

Mới đây Phó Tổng giám đốc của quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam Dragon Capital đã chia sẻ những nhận định về bất động sản trong giai đoạn sắp tới. Theo ông Lê Anh Tuấn, các yếu tố cơ bản đang ủng hộ xu hướng tăng trưởng ngày một mạnh của kênh đầu tư này, mặc dù ông đánh giá những biến động trong ngắn hạn là rất khó để dự đoán. Cụ thể, các yếu tố được ông cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn tới giá của bất động sản bao gồm:

Thứ nhất, đất không đẻ ra còn nhu cầu thì luôn tăng. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy dân số Việt Nam hiện nay đã 97,6 triệu người và con số này tiếp tục tăng lên trong tương lai. Mức độ gia tăng dân số tự nhiên lớn đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế khiến cho nhu cầu an cư tại các đô thị lớn ngày một cao. Bên cạnh đó là tỷ lệ đô thị hóa nhanh, kéo theo giá bất động sản tại các tỉnh có mức gia tăng dân số cơ học lớn sẽ còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là các tỉnh phát triển công nghiệp và nhu cầu việc làm lớn.

Chính vì vậy giá bất động sản tại những khu vực có mật độ cư dân cao sẽ ngày càng tăng chứ khó có thể đảo ngược xu thế. Với hệ tư tưởng phương Đông truyền thống luôn coi trọng mảnh đất để an cư lạc nghiệp, đa phần người dân Việt Nam muốn sở hữu một bất động sản và coi đó như một thành quả của cuộc đời. Chính bởi tâm lý đó khiến cho một lượng lớn đất đai bị đầu cơ, khiến cho nguồn cung ngày càng khan hiếm tại các đô thị lớn.

Thứ hai, số lượng người giàu và người có thu nhập cao sẽ tăng nhanh trong thập niên sắp tới. Theo các chuyên gia, trong tương lai gần lượng người giàu thuộc vào hàng trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức ngang với các nước phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy trong vòng 5 năm tới, lượng người giàu của nước ta sẽ tương tương 25 triệu người, ngang với dân số của Đài Loan. Nếu nhìn xa hơn, dự báo tới 2045 lượng người có thu nhập trung lưu sẽ đạt ở mức 50 triệu người, tương đương dân số của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, số lượng người siêu giàu cũng tăng nhanh kỷ lục. Với những số liệu trên cho thấy khả năng đáp ứng về giá bất động sản cũng sẽ tăng cao tương ứng, do đó càng củng cố thêm nhận định khó có chuyện giá bất động sản sẽ giảm.

Thứ ba, chính sách thuế về sở hữu bất động sản vẫn đang tạo ra nhiều thuận lợi cho những người sở hữu nhiều hơn một bất động sản. Đây chính là yếu tố để cho nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm giữ rất nhiều mà không sợ bị đánh thuế cao như tại một số nước phát triển khác. Lợi thế này đã biến kênh đầu tư bất động sản thành “kênh đầu tư vua” tại Việt Nam bởi hội tủ đủ các đặc điểm “an toàn, lợi nhuận cao và thanh khoản ổn định”.

Thứ tư, yếu tố cuối cùng đó chính là chi phí liên quan tới bất động sản ngày một lớn hơn. Bên cạnh yếu tố lạm phát, sau mỗi cơn sốt bất động sản luôn để lại những hệ lụy đó là chi phí giải phóng mặt bằng lớn, chi phí xây dựng hạ tầng ngầy một tăng cao... Chính bởi các yếu tố đầu vào tăng khiến cho giá bất động sản bị cộng dồn các chi phí, do đó giá đến tay người dùng sẽ luôn ở mức cao. Chi phí đầu vào thấp chỉ có thể xảy ra khi khủng hoảng kéo dài, đây có lẽ cũng là điều mà không một ai mong muốn.

Thực tế đã chứng minh, trong 20 năm vừa qua bất động sản Việt Nam đã tăng trưởng rất cao, không chỉ ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM mà cả các địa phương khác. Do đó, xét về trung và dài hạn chắc chắn sẽ còn nhiều dư địa để kênh đầu tư này phát triển lên một mức cao hơn nữa, song hành cùng sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2050.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)