Trong năm 2020 cả nước chỉ phát sinh khoảng 120 sản phẩm căn hộ khách sạn (condotel). Tuy nhiên, căn cứ vào nhiều yếu tố, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, condotel cũng như những loại hình tương tự khác sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm sắp tới.
Thị trường ngủ đông
Mới đây, Hội môi giới bất động sản Việt Nam đã công bố Báo cáo về tình hình thị trường bất động sản cả nước năm 2020. Nổi bật trong đó là những con số thấp kỉ lục của loại hình condotel. Cụ thể, số lượng condotel được chào bán trên thị trường phần lớn là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm.
Trong 3 quý đầu năm 2020, thị trường giao dịch condotel bước vào giai đoạn ngủ đông khi mà 2/3 tổng số dự án đang rao bán nhưng không phát sinh giao dịch. Bước sang quý IV, dù thị trường đã có những tín hiệu hồi phục đầu tiên nhưng lượng giao dịch tăng lên không đáng kể. Tổng giao dịch cả năm ước đạt 120 sản phẩm.
Phó Chủ tịch của VARs, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, một trong những nguyên nhân chính làm tình trạng này xảy ra là tác động của dịch Covid-19. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã áp lệnh hạn chế đi lại khiến ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Hầu hết các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng mở cửa.
Ngoài ra, theo phân tích của ông Đính, những chính sách và cơ chế từ cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương liên quan đến bất động sản du lịch nói chung và loại hình condotel nói riêng vẫn chưa có động thái nào đáng chú ý. Đặc biệt, khung pháp lý còn chưa rõ ràng khiến nhiều dự án gặp khó khăn khi triển khai đầu tư, khởi động xây dựng. Nhiều nhà đầu tư đã không chịu được “nhiệt” mà phải rút vốn, tháo chạy khỏi thị trường.
Cũng trong báo cáo của VARs, trong năm 2020, nguồn cung của loại hình biệt thự du lịch (resort villa), nhà phố thương mại (shophouse) đạt gần 15.000 sản phẩm. Lượng tiêu thụ khoảng 1.200 sản phẩm, tương đương tỉ lệ hấp thụ ở mức 8%. Đến những tháng cuối năm, thị trường bắt đầu sôi động trở lại nhờ vào chiến lược truyền thông mạnh mẽ của các chủ đầu tư lớn.
Chuyển mình trong năm 2021?
Dựa trên những tín hiệu hồi phục của thị trường quý IV khi Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như nhiều quy định “khơi thông” sẽ chính thức có hiệu lực, vị lãnh đạo của VARs có cái nhìn rất tích cực cho các loại hình bất động sản du lịch trong thời gian sắp tới.
Cụ thể, nhờ vào chính sách kích cầu du lịch nội địa và khai thác có chọn lọc một số đường bay quốc tế, ngành du lịch sẽ dần phục hồi. Bộ máy chính quyền nhiệm kì mới sẽ quan tâm hơn đến khung pháp lí cho bất động sản du lịch, chiếm được niềm tin của các nhà đầu tư. Chẳng hạn như tại dự án Cocobay, các cán bộ mới tại Đà Nẵng đã mạnh dạn chuyển đổi từ condotel (không hình thành đơn vị ở) sang căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề (có hình thành đơn vị ở).
Cũng trong năm này, nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn, được trang bị những dịch vụ, tiện ích chất lượng cao sẽ được hoàn thiện và đưa vào khai thác. Đây không chỉ là “chất xúc tác” để nâng cao hiệu quả ngành kinh tế du lịch, mà còn là “thỏi nam châm” kéo các nhà đầu tư cũ quay trở lại thị trường du lịch và hút sóng đầu tư quốc tế.
Một số dự án được VARs dự báo là sẽ hút khách du lịch và được nhà đầu tư quan tâm trong năm 2021 là: Cocobay Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa và Quy Nhơn, Grand World, NovaWorld, Sonasea Vân Đồn…