Tại cuộc hội thảo “Chiến lược đầu tư thời Covid – 19” do Tạp chí Thương gia vừa tổ chức ngày 18/11 vừa qua, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2021 không phải thời điểm thuận lợi cho các hoạt động mang tính chất ngắn hạn.

TS. Võ Trí Thành: “Đầu tư bất động sản thời Covid – 19 cần có chiến lược”

Cần cẩn trọng trong bối cảnh hiện nay

TS Võ Trí Thành đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của các địa phương có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm giáp ranh với các đại đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Theo ông, sự phát triển mang tính tất yếu của 2 đại đô thị lớn sẽ kéo theo đà tăng của các địa phương xung quanh, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần phải có những sự lựa chọn đúng đắn để tránh bị chôn vốn hay mua phải các dự án lừa đảo.

Để đầu tư vào bất động sản vùng ven có hiệu quả cao, theo ông cần quan tâm tới những tiêu chí như vị trí địa lý, hạ tầng kết nối với các thành phố lớn, quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc phát huy sức mạnh của tỉnh, có sự góp mặt của các “ông lớn” trong ngành bất động sản và cuối cùng là tiềm năng phát triển về trung và dài hạn của tỉnh.

Trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh về tính kết nối của các địa phương vệ tinh. Bên cạnh đó ông cũng khuyên nhà đầu tư nên tỉnh táo trước sức hấp dẫn của việc dùng đòn bẩy tài chính, do hiện tại khả năng tiếp cận vốn vay tương đối dễ hơn trước. Trong bối cảnh hiện nay, ít nhất là đến giữa năm 2021 chưa phải là thời điểm để có thể “lướt sóng” ngắn hạn, nhà đầu tư nên nhìn về tiềm năng tăng giá trong dài hạn và có chiến lược cụ thể về việc phân bổ tài sản đầu tư.

Về các phân khúc bất động sản, theo TS. Thành thị trường căn hộ sắp tới sẽ không còn tình trạng khan hiếm nguồn cung như gần đây do các dự án đang dần được tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, trong khi đó phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ lên ngôi trong giai đoạn sắp tới với dư địa phát triển khá cao.

Cũng tại buổi hội thảo, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam ông Sử Ngọc Khương cũng đồng tình với quan điểm của TS. Võ Trí Thành. Theo ông Khương, phân khúc bất động sản công nghiệp hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của cả giới đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Phân khúc này còn nhiều mảng để phát triển như xây dựng công nghiệp, xây dựng kho bãi, hậu cần và logistic từ đó sẽ kéo theo nhu cầu về bất động sản nhà ở khu công nghiệp như bất động sản cho thuê, nhà trọ, nhà ở cho giới chuyên gia chất lượng cao...

Đề cập tới những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản có thể gặp phải trong thời gian tới, ông Sử Ngọc Khương cho rằng với những doanh nghiệp đầu tư phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn và văn phòng rất có thể sẽ phải tái cơ cấu tài sản để cân đối dòng tiền. Trong khi đó với những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhà ở thương mại tuy ít gặp khó khăn về áp lực bán hàng hơn, nhưng những dự án có vốn chủ sở hữu thấp và dùng quá nhiều vốn vay sẽ dẫn tới tình trạng buộc phải chuyển nhượng dự án. Vì vậy trong thời gian tới rất có thể thị trường sẽ chứng kiến nhiều hơn những thương vụ mua bán sát nhập lớn và cả những dự án bị ngân hàng rao bán đấu giá do chủ đầu tư mất khả năng thanh toán lãi vay.