Cơn bão Covid-19 đi qua để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng lên nền kinh tế thế giới nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Nhưng, bất động sản công nghiệp tại nhiều nơi vẫn sống tốt. Và ở Việt nam, nó trở thành điểm sáng cho toàn thị trường.

Bất động sản công nghiệp – Điểm sáng của thị trường Việt Nam giữa đại dịch

Thực trạng chung trên toàn thế giới

Sự sụt giảm kinh tế của toàn bộ các quốc gia trên thế giới là minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động của đại dịch. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Covid-19 thực sự là cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất kể từ sau thế chiến thứ hai. Thậm chí, mức độ tàn phá của nó đối với riêng nền kinh tế còn ác liệt hơn cả cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008. IMF dự báo, GDP của Mĩ sẽ sụt giảm ít nhất là 6% trong năm nay. Trong khi đó, những con rồng của kinh tế châu Á như Hồng Kông hay Singapore cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Là một bộ phận cấu thành nên nền kinh tế, dĩ nhiên lĩnh vực bất động sản cũng chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, không phải toàn bộ các phân khúc bất động sản đều trầm lắng, thị trường vẫn có những điểm sáng nhất định. Đó chính là sự khởi sắc của bất động sản công nghiệp và kho bãi.

Việc hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân tăng mạnh. Như một điều hiển nhiên, hệ thống kho bãi phải phát triển để đáp ứng được xu hướng này. Giá thuê kho bãi tại nhiều quốc gia liên tục ghi nhận mức tăng kỉ lục.

Tình trạng tại Việt Nam ra sao?

Dù là đất nước khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng trong sự suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 1,81%. Tuy là con số thấp nhất trong 10 năm gần đây, nhưng lại là quốc gia hiếm hoi như nhận mức tăng trưởng dương.

Thị trường bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho thấy, đã có 923 doanh nghiệp phải giải thể trong 8 tháng đầu năm 2020, tăng 136% so với cùng kỳ 2019, cao nhất so với các lĩnh vực khác. Nguồn cung và lượng giao dịch tụt dốc mạnh.

Nhưng trái ngược với tình trạng đóng băng ở phân khúc thương mại (mặt bằng cho thuê, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại cho thuê), bất động sản công nghiệp và kho bãi Việt Nam nổi lên nhờ tính thanh khoản cao, trở thành điểm sáng mới của thị trường. Bên cạnh đó, với lợi thế về nguồn nhân công, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi của Chính phủ và khả năng phòng, chống dịch hiệu quả, Việt Nam là điểm đến hoàn hảo trong kế hoạch di chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, giá thuê bất động sản công nghiệp đã tăng bình quân 9% so với năm 2019. Trong tương lai, cùng với sự gia tăng cả về quy mô và giá trị của thương mại điện tử, bất động sản kho bãi của Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng, dư địa vẫn còn để tăng trưởng.

Có thể nói, Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức với thị trường bất động sản. Bên cạnh những khó khăn, đây cũng là cơ hội cho sự phát triển của nhiều phân khúc, thị trường khác. Vấn đề của các doanh nghiệp là nhìn ra cơ hội, tìm cách thay đổi để thích ứng với những biến động. Còn Nhà nước sẽ giúp đỡ doanh nghiệp thông qua các ưu đãi về thuế, chính sách…