Trong khi giá bán tiếp tục xu hướng tăng thì giá cho thuê mặt bằng vẫn liên tục giảm. Diễn biến trái chiều trên thị trường bất động sản chuyển nhượng và cho thuê đang là một nghịch lý khiến nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cảm thấy khá băn khoăn.

Diễn biến trái chiều trên thị trường bất động sản cho thuê và chuyển nhượng

Thị trường đầu tư đang phân hóa mạnh mẽ

Chỉ xét riêng thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là TP.HCM trong thời gian đã qua của năm 2020, do chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid – 19 khiến cho cả nguồn cũng lẫn tính thanh khoản của thị trường đều giảm sút rõ rệt, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới cả giá trị bất động sản và lợi nhuận từ việc cho thuê bất động sản đó.

Trong đó giá chào bán bất động sản không có dấu hiệu giảm như dự báo của nhiều người trước đó, phân khúc nhà liền thổ và chung cư vẫn tăng lên những mặt bằng giá mới so với trước dịch. Điều đáng chú ý đó là trong khi giá bán bất động sản tăng nhanh thì giá cho thuê lại giảm liên tục trong thời gian vừa qua. Cụ thể, giá cho thuê chung cư tại TP.HCM đã  giảm khoảng từ 10 – 20% tùy dự án, nhưng đa số là đã giảm so với năm ngoái. Trong khi đó bất động sản thương mại, văn phòng hay nhà mặt phố kinh doanh đều có mức giảm khá mạnh từ 25 – 50%, mức giảm mạnh nhưng nhìn chung vẫn khó cho thuê hơn trước dịch rất nhiều.

Do tác động từ đại dịch và xu hướng giảm tốc của thị trường bất động sản từ năm 2019, nguồn cung trên thị trường đã khan hiếm nay lại càng ít hơn. Sự thiếu đa dạng nguồn cung cũng khiến cho thanh khoản thị trường mua bán bất động sản xuống thấp kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Nhiều chuyên gia đánh giá mức độ phân hóa trên thị trường đang rất cao, dẫn chứng ở việc xuất hiện nghịch lý ngược trong giá trị tài sản và giá trị cho thuê. Đây chính là mô hình chữ K trong biểu đồ kinh tế mà nhiều thị trường tài chính đang gặp phải và bất động sản cũng không phải là ngoại lệ.

Việc phân hóa trên xuất phát từ những tác động khó lường của đại dịch Covid – 19, khiến cho nhu cầu thuê nhà sụt giảm mạnh, trong khi đó giá bán lại tăng mạnh do nhu cầu trú ẩn vào kênh bất động sản ngày một lớn hơn. Trong khi đó bên bán bất động sản vẫn chưa thực sự khó khăn đến mức buộc phải bán “dưới giá” để thanh khoản diễn ra nhanh hơn, điều này phản ánh rõ bởi các dữ liệu về số lượng tin chào bán bất động sản tăng nhanh nhưng lượng giao dịch thực sự lại không lớn. Đây có lẽ cũng là diễn biến hợp lý nhất trên thị trường bất động sản hiện nay.

Đối với phân khúc bất động sản cho thuê, các dấu hiệu hồi phục là rất ít ỏi, thị trường này chỉ thực sự hồi phục khi dịch bệnh Covid -19 biến mất một cách hoàn toàn.

Theo nhiều chuyên gia về tài chính, do độ trễ của chính sách tiền tệ lẫn độ trễ trong nền kinh tế khiến cho tác động tiêu cực của đại dịch có thể sẽ chưa phản ánh trong năm 2020. Trong vòng 12 tháng tới rất có thể sẽ có một làn sóng điều chỉnh của cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản do chu kỳ nợ xấu bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm.

Dự đoán về giai đoạn cuối năm, một số nhận định cho rằng đây là quãng thời gian khó khăn nhất trong cả năm đối với giới đầu tư do yếu tố mùa vụ và các diễn biến bất lợi đến từ dịch bệnh có thể bùng phát trong khoảng thời gian cao điểm mùa đông. Giới đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn trong các quyết định xuống tiền, khác với thời gian cách đây vài tháng, do giá của một số phân khúc bất động sản đang có dấu hiệu “tăng nóng”.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)