UBND TP.HCM vừa chính thức ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, thành phố sẽ hạn chế các dự án nhà ở cao tầng mới và tăng chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ tại 7 quận nội thành.

TP.HCM: Siết chặt quy định xây dựng cao ốc tại các quận nội thành

Phát triển đồng bộ với cơ sở hạ tầng

Công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2011 – 2020 tại UBND TP.HCM được cho là đã có những kết quả đáng kể nhưng chưa thật sự bền vững. Thể hiện ở việc chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ; sản phẩm chưa đa dạng; chưa đồng bộ với hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội.

Mặt khác, với tốc độ tăng dân số như hiện tại, TP.HCM ước tính trong 5 năm sắp tới, dân số toàn thành phố có thể đạt khoảng 10,1 triệu người. Tương ứng với đó là nhu cần về nhà ở đến năm 2025 là hơn 81 triệu m2 sàn, đến năm 2030 cần tiếp 68 triệu m2 sàn. Vì vậy, trong đề án phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 – 2030 mới được phê duyệt, TP.HCM đã có nhiều cơ chế để nhà ở phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu và được đồng bộ với cơ sở hạ tầng.

Cụ thể, khu vực trung tâm (quận 1 và 3) và 5 quận nội thành hiện hữu có dân số giảm từ năm 2010 đến nay (gồm quận Phú Nhuận, 4, 5, 6, 11): Ưu tiên tăng mật độ xây dựng, tăng chỉ tiêu quy hoạch, hệ số sử dụng đất… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới công trình thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Đáng chú ý, đề án chỉ rõ, TP.HCM sẽ hạn chế xây mới các công trình cao tầng tại 7 địa phương này nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.

Đối với các quận Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, 8 và 10: TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kĩ thuật cũng như hạ tầng xã hội để thu hút đầu tư dự án nhà ở. Đối với 3 quận nội thành phát triển (quận Bình Tân, 7 và 12), thành phố Thủ Đức sẽ ưu tiên các dự án xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nằm dọc theo những tuyến giao thông công cộng lớn đang hiện hữu.

Riêng khu vực 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè): TP.HCM ưu tiên phát triển dự án nhà ở tại các khu dân cư nông thôn, các thị trấn và khu vực có hạ tầng kĩ thuật kết nối đồng bộ với những trục đường chính; ưu tiên phát triển khu đô thị mới, khu đô thị du lịch kết hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, khu đô thị vệ tinh. Chú ý, nếu những địa phương này không có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng tương xứng thì cũng sẽ bị hạn chế phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới đến năm 2025.

Tổng giám đốc Phú Đông Group - Ông Ngô Quang Phúc hoàn toàn tán thành với quan điểm phát triển này của thành phố. Ông Phúc cho rằng, trên cùng một diện tích đất, những dự án chung cư có hệ số sử dụng và diện tích sàn sử dụng cao hơn nhiều so với nhà thấp tầng. Chính vì vậy, quy mô dân số trong những công trình này không hề nhỏ.

Áp lực dân số này sẽ tác động và ảnh hưởng trực tiếp lên cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải... Nó cũng kéo theo nhu cầu về hạ tầng xã hội tăng theo. Nhìn về khu vực lõi trung tâm của thành phố thì hiện nay đã quá tải, rất khó để quy hoạch bổ sung hạ tầng nên không cấp phép các dự án chung cư cao tầng là hoàn toàn đúng đắn.