Những đô thị kiểu mẫu bị “xé” nát; những con đường oằn mình “cõng” hàng chục tòa chung cư… là những “điểm đen” trên bản đồ quy hoạch của TP.Hà Nội.
2km đường “gánh” 40 tòa chung cư
Hà Nội có không ít con đường phải “cõng” hàng chục tòa chung cư cao tầng như: Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Chánh… Nhưng Lê Văn Lương mới là con đường đau khổ nhất khi chỉ có 2km đường mà phải “gánh” trên đó đến 40 tòa cao tốc. Có những dự án mật độ xây dựng đến hơn 60% quỹ đất. Các chuyên gia đánh giá, dù tốc độ đô thị hóa tại khu vực này nhanh đến chóng mặt nhưng giá bất động lại khó tăng vì tình trạng tắc đường kéo dài.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.Hà Nội, dọc theo 2 km đường Lê Văn Lương, có đến 40 tòa chung cư với hơn 6.000 căn hộ. Có thể điểm tên một số dự án có số lượng căn hộ “khủng” như: dự án căn hộ chung cư Hà Nội Center Point có 360 căn hộ; Star City có 462 căn hộ; Golden Palm có 450 căn hộ; 18T1 và 18T2 có 600 căn…
Anh T.Đ.T (38 tuổi) mua căn hộ tại khu vực đường Lê Văn Lương và dọn đến sống từ năm 2010 nên cảm nhận rất rõ cuộc sống tại đây thay đổi như thế nào trong 10 năm qua. Anh cho biết, nếu như cách đây 10 năm, không gian xung quanh trục đường Lê Văn Lương rất thoáng đãng, vỉa hè rộng thênh thang thì nay mọi thứ trở nên ngột ngạt và bí bách hơn. Bao quanh con đường là hàng chục tòa nhà chọc trời, mỗi khi tan tầm, đường giao thông là dành cho BRT và xe ô tô, còn vỉa hè là dành cho xe máy, đạp điện… Và tiếng ồn, khói bụi từ hàng ngàn phương tiện càng khiến cho không gian trở nên bức bí. Chưa kể, mỗi khi trời mưa là tình trạng tắc đường càng trở nên nghiêm trọng.
Đường Lê Văn Lương dài chỉ 2 km nhưng phải "cõng" 40 tòa chung cư cao tầng
Chính vì mật độ xây dựng đã quá cao nên người dân luôn có phản ứng dữ dội mỗi khi có thông tin thêm dự án cao ốc muốn “nhồi” vào khu vực này. Cụ thể, đầu năm 2019, trước việc Sở Quy hoạch và Kiến trúc chấp nhận đề xuất của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) về việc xây dựng tòa nhà cao 18 tầng nổi, 3 tầng hầm tại khu vực vốn có mật độ xây dựng cao này đã bị hàng trăm hộ dân gửi đơn thư khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng.
Theo chia sẻ của nhiều cư dân, việc phá vỡ quy hoạch đô thị tại khu vực này đã diễn ra trong suốt hơn 20 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Được biết, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính được phê duyệt quy hoạch từ năm 1998 với tổng diện tích 32 ha. Chủ đầu tư dự án là Công ty Vinaconex, đơn vị này này khởi công xây dựng dự án từ năm 2001 và đưa vào vận hành năm 2006. Đây là dự án từng được coi là một trong những khu đô thị thương mại kiểu mẫu đầu tiên ở TP.Hà Nội.
Quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt năm 1998 thể hiện, khu vực này có 8 toà nhà cao trung bình từ 6,7 – 7,5 tầng, mật độ xây dựng là 34,88%. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khu vực này hiện có 16 tòa nhà cao từ 17 – 34 tầng, mật độ xây dựng tăng lên hơn 50%.
Chính việc mật độ xây dựng quá cao và không có dấu hiệu dừng lại khiến cho không ít cư dân sinh sống tại khu đô thị này lo lắng về nguy cơ thiếu hụt trầm trọng hạ tầng như: trường học, bãi đỗ xe, cây xanh…
Hậu quả của việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện
Quy hoạch tùy tiện đang "xé" nát nhiều khu đô thị tại Hà Nội
Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam – Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho biết, ở góc độ doanh nghiệp thì chủ đầu tư nào cũng muốn tăng lợi nhuận bằng cách xây dựng những tòa chung cư cao tầng. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng. Những điều trước mắt có thể nhìn thấy được là mật độ dân số đông dẫn đến lượng phương tiện gia tăng nhanh, kéo theo đó là tình trạng tắc đường kéo dài, mở thêm đường vẫn tắc. Xa hơn là tắc đường sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân.
Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng không phát triển kịp với tốc độ gia tăng dân số. Mặt khác, quy hoạch tùy tiện còn dẫn đến tình trạng thiếu hụt diện tích dành cho cây xanh, bãi đỗ xe, trường học, bệnh viện…
Theo các chuyên gia, việc nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch các khu đô thị vệ tinh càng sớm càng tốt là giải pháp cần thiết để giải quyết được bài toán quy hoạch đô thị của Hà Nội. Việc này có thể giúp tạo tiền đề giãn hàng triệu dân, có thêm 25.000 ha đất đai để di dời trường học, một số bệnh viện, các cơ sở công nghiệp…
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng từ ngoại ô vào nội đô thay vì phát triển các đô thị nén. Nhờ đó, người dân sinh sống ở khu vực ngoại thành có thể dễ dàng di chuyển bằng các phương tiện công cộng vào nội thành để làm việc, vui chơi… Việc làm này không chỉ góp phần giãn dân, giảm áp lực lên hạ tầng đô thị mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.