Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Lê Hoà Bình vừa ký quyết định số 2304/QĐ-UBND ngày 25/6/2021 về việc phân bổ nhà ở, đất ở thuộc sở hữu nhà nước nhằm phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 1.030 nền đất và 2.396 căn hộ được phân bổ cho 21 quận huyện và TP.Thủ Đức sử dụng.

TP.HCM: Phân bổ gần 3.500 căn hộ và nền đất phục vụ tái định cư

Kế hoạch phân bổ các căn hộ và nền đất phục vụ tái định cư

Theo Quyết định của UBND thành phố, các căn hộ và nền đất được phân bổ như sau: 161 nền đất phục vụ cho dự án tái định cư Thảo Cầm Viên; 24 nền đất dùng để phục vụ tái định cư cho dự án Khu Công nghệ cao; 781 căn hộ thuộc Chương trình 12.500 căn sẽ dùng để phục vụ tạm cư, tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 1.615 căn hộ và 845 nền đất còn lại được phân bổ cho những khu vực khác.

Căn cứ Quyết định trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thành phố dựa trên kế hoạch được phân bổ để phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện quản lý sử dụng đất ở, nhà ở phục vụ tái định cư trên tình thần đảm bảo đúng chính sách, đúng người, đúng việc, không để xảy ra tình trạng khiếu nại của các cá nhân, hộ gia đình. Bất cứ vướng mắc hoặc phát sinh nào vượt quá thẩm quyền đều phải báo cáo lên Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của thành phố.

Các quận, huyện, thành phố có trách nhiệm chi trả các chi phí như: dọn dẹp, sửa chữa, vận hành, quản lý sử dụng… đối với phần chi phí phát sinh (nếu có) từ việc chậm bố trí sử dụng nguồn nhà đã được UBND thành phố giao quản lý. Định kỳ vào tuần cuối cùng của tháng 11 hàng năm, các đơn vị phải cập nhật số liệu về việc đăng ký phân bổ quỹ nhà ở, đất ở thuộc sở hữu Nhà nước để phục vụ tái định và số liệu về hiện trạng nhà ở, đất ở để sử dụng.

Trước đó, trong năm 2020, UBND TP.HCm đã phân bổ 3.656 căn hộ và nền đất cho các quận huyện trên địa bàn thành phố để phục vụ tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng chỉ gần 10% - 345 căn hộ và nền đất. Cá biệt, tại một số quận huyện như: H. Hóc Môn, H. Củ Chi, Q. Phú Nhuận, Q.3, Q.5 hay Q.8 không sử dụng nhà đất nào.

Theo chia sẻ của Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân của việc chậm sử dụng nhà ở, đất ở tái định cư do: căn hộ xuống cấp cần sửa chữa trước khi bố trí, các thủ tục đầu tư thay đổi, công tác định giá bị kéo dài… Được biết, trong năm 2020, chi phí để bảo trì cho các căn hộ đang bị bỏ trống mà UBND thành phố phải chi trả vào khoảng 70 tỷ đồng.

Theo thống kê của ngành chức năng, TP.HCM hiện có 21.851 căn nhà trên và ven các kênh rạch tập trung ở các quận Bình Thạch, Q.4, Q.7 và Q.8. Nhằm chỉnh trang đô thị dọc 2 bên bờ các kênh rạch và tổ chức lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM sẽ di dời hơn 20.000 căn nhà. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố mới di dời được hơn 7.260 căn, đạt hơn 36% kế hoạch.

Để di dời toàn bộ các căn nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết phải thực hiện 65 dự án tái định cư, ước tính tổng kinh phí cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là hơn 44.000 tỷ đồng. Ngoài vướng mắc về kinh phí do thành phố phải phân bổ nguồn vốn vào các dự án khác như: chống ngập, chống ùn tắc giao thông… thì việc TP.HCM không còn nhiều quỹ đất công cũng là một vướng mắc lần cần phải tháo gỡ.