Dịch bệnh, khan hiếm nguồn cung mới, lượng giao dịch ảm đạm, giá bán tụt dốc là những khó khăn mà phân khúc đất nền tại TP.HCM đang phải hứng chịu.

TP.HCM: Khó khăn bủa vây lấy đất nền

Nhận định của các đơn vị nghiên cứu

Theo Savills Việt Nam, cũng như mọi phân khúc khác trong quý III, đất nền đang gặp nhiều khó khăn cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Cụ thể, nguồn cung đất nền khan hiếm kéo theo nguồn cung sơ cấp giảm 65% so với quý II và 58% so với quý III/2019. Ngoài ra, cũng có 36% số lượng dự án sơ cấp buộc phải ngừng bán do vấn đề pháp lý.

Về lượng giao dịch, chỉ có 170 nền được bán thành công trong quý III, giảm 70% so với quý trước, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019. Tương ứng với đó là tỷ lệ hấp thụ bình quân chỉ còn 37%, giảm 6 điểm phần trăm theo quý và 5 điểm phần trăm theo năm. Kể từ năm 2016 đến nay, đây là những con số thấp nhất mà thị trường ghi nhận được.

Savills nhận định, phân khúc đất nền thành phố đang mất dần sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư do diễn biến dịch bệnh vẫn khá phức tạp, nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý và thiếu dự án quy mô lớn.

DKRA Vietnam đánh giá, phân khúc đất nền tiếp tục trên đà giảm tốc từ đầu năm 2020 đến hiện tại. Thể hiện thông qua nguồn cung mới đất nền khan hiếm, cả lượng giao dịch và giá bán đều sụt giảm ở nhiều khu vực. Đơn cử tại TP.HCM, trong suốt quý III, thành phố không có bất kỳ dự án mới nào được mở bán. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án đã được triển khai trước đó.

Chính vì lý do này đã dẫn đến xu hướng đầu tư ly tâm tại các tỉnh giáp ranh thành phố. Thống kê của DKRA tại các khu vực này, có 35 dự án đất nền mở bán, đưa vào lưu thông 5.173 nền, tăng 191,6% so với quý II/2020. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 55%, tương ứng với khoảng 2.835 nền, tăng 139,1% so với quý trước

DKRA cho rằng, nguồn cung mới trong tương lai sẽ khó cải thiện, đa số vẫn đến từ các dự án hiện hữu. Tuy sẽ xuất hiện một vài dự án mới nhưng quy mô nhỏ, triển khai ở các khu vực vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn…

Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, giá đất đai tại hầu hết các địa phương đang cao hơn giá trị thực khiến nhiều nhà phát triển bất động sản từ bỏ ý định đầu tư. Bởi lẽ, giá đất cao cũng có nghĩa là chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là rất lớn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải rút lui sau khi khảo sát những khu vực này.

Trong khu dân cư: Do khan hiếm nguồn cung nên giới đầu tư phải chuyển hướng sang đất nền tại các huyện vùng ven. Điều này đã làm tăng giá chuyển nhượng đất đai tại nhiều huyện thuộc TP.HCM như: Gò Vấp, Bình Chánh, Củ Chi… Mức giá dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2, tác động trực tiếp làm khả năng tiếp cận của người mua thực giảm sút.

Đơn vị này cũng cho biết, đất nền tại một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu xuất hiện tình trạng giảm giá sâu. Đơn cử là Nha Trang, trong quý III, giá đất giảm từ 20 -30% nhưng thị trường dường như không có phản hồi.

(Tổng hợp bởi odt.vn)