Dù sở hữu nhiều tiềm năng và được dự báo sẽ thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong tương lai nhưng bất động sản biển hiện nay vẫn không thể bứt phá. Nguyên nhân phần lớn do các rào cản về luật và công tác vận hành.

Làm sao để bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam bứt phá?

4 câu hỏi và 1 vấn đề cần giải đáp

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị biển, TGĐ Boston Consulting Group -  ông Arnaud Ginolin cho rằng, tầm nhìn có ý nghĩa quan trọng trong thành công của dự án. Một dự án muốn thành công phải có chiến lược mang tính khát vọng, kế thừa và đảm bảo cân bằng giữa công và tư. Áp dụng tại Việt Nam, để bất động sản biển bứt phá, cần tìm lời giải cho 4 câu hỏi sau:

Một là, tầm nhìn nào sẽ thích hợp cho việc phát triển các đô thị ven biển? (Mô hình thành phố? Cơ hội làm việc?)

Hai là, làm sao để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và toàn diện của các vùng ven biển Việt Nam? Làm như thế nào để quy hoạch tổng thể cấp quốc gia tránh cạnh tranh nội bộ nhưng vẫn đảm bảo sử dụng tài nguyên ở mức tối ưu? Cơ chế nào để đảm bảo đủ sự nhanh nhạy và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (Luật, quy chế, đơn vị quản lý...)?

Ba là, làm thế nào để chuyển giao các kết quả kinh tế, xã hội và môi trường?

Cuối cùng, phải làm sao để đảm bảo sự liên kết trong Chính phủ? Có thể hiểu, đây chính là sự liên kết chính sách thông qua đảm bảo các lĩnh vực hỗ trợ các mục tiêu chính sách của Chính phủ, ví dụ: Đổi mới, sáng kiến nhà ở giá thấp...

Bên cạnh các câu hỏi trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để khơi thông thị trường, các cơ quan Nhà nước phải giải quyết những vấn đề về quy định quản lý lĩnh vực đô thị biển. Hiện nay nhiều loại hình bất động sản nghỉ dưỡng nở rộ nhưng chưa có khung pháp lý quy định rõ ràng. Điển hình là condotel, officetel…

Liên quan đến vấn đề này, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng - Ông Vũ Văn Phấn nhận định: Pháp luật của chúng ta hiện nay chưa theo kịp sự chuyển động của thị trường do chiến lược phát triển của Nhà nước không phải “ngồi bốc thuốc” là ra. Để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cần nhiều thời gian và phải xem xét trên nhiều góc độ khác nhau.

“Các doanh nghiệp mất khoảng 5 - 6 năm để thực hiện một dự án thì cơ quan chức năng cũng phải bỏ ra khoảng thời gian tương đương để xây dựng nên một bộ luật hay Nghị định. Cả người dân và doanh nghiệp phải hiểu và thông cảm cho cơ quan quản lý nhà nước”, ông Phấn chia sẻ.

Riêng về condotel, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định rất rõ là người mua được sở hữu và cấp sổ. Nhưng quan trọng nhất là mua xong phải sử dụng đúng mục đích. Người dân muốn mua condotel hay các mô hình tương tự phải nâng cao trình độ hiểu biết để tránh rủi ro, ông Phấn nhấn mạnh

Bàn về yếu tố chất lượng bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp tài chính, Tập đoàn Novaland cho biết: Những năm qua một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng dự án theo quy mô lớn và bài bản. Trong tương lai, chủ đầu tư nào lớn, triển khai dự án có tính đồng bộ, bài bản hơn sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Ngược lại, người đầu tư nhỏ lẻ, theo phong trào chắc chắn sẽ bị đào thải. Để tránh điều này, họ buộc phải tự chuyên nghiệp hóa bản thân.

(Tổng hợp bởi odt.vn)