Nguyên nhân là bởi bảng giá đất tại địa phương cũng như các tỉnh thành khác được xây dựng trên cơ sở khung giá đất do Chính phủ ban hành. Nhưng con số này lại quá thấp, không tiệm cận với giá giao dịch trên thị trường, ảnh hưởng đến nguồn thu thành phố.

TP.HCM đề xuất thay đổi quy định về khung giá đất

Bỏ quy định khung giá đất tối đa, tối thiểu

Theo UBND TP.HCM, giá giao dịch thực tế trên thị trường cao hơn giá quy định 2 – 3 lần, thậm chí có những nơi cao gấp 6 lần. Đơn cử như giá chuyển nhượng tại đường Cách mạng tháng 8 là 260 – 290 triệu đồng/m2, trong khi thành phố quy định là 66 triệu đồng/m2. Ngay cả những lô đất xấu, nằm trong hẻm cũng có thể chạm ngưỡng 245 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất tại đường Quang Trung là 19,4 triệu đồng/m2, giá giao dịch lại là 130 triệu đồng/m2…

Thành phố cho biết, các giao dịch mua bán nhà đất hiện tại diễn ra theo hình thức người mua và người bán thống nhất giá trị chuyển nhượng thể hiện trong hợp đồng. Vì vậy, có không ít các trường hợp cả 2 bên thỏa thuận ghi giá đất trong hợp đồng thấp hơn hoặc bằng quy định tại bảng giá đất, nhằm giảm tiền thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Tuy nhiên, công tác thu thập và kiểm tra thông tin chính xác về giá giao dịch nhà đất là rất khó khăn. Bởi vì việc giao dịch bất động sản theo quy định tại Việt Nam chưa đạt được mức độ minh bạch như một số nước phát triển. Đồng thời, Chính phủ hay các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa ban hành khung pháp lý cụ thể về quản lý giá chuyển nhượng bất động sản dẫn tới giá giao dịch thực không được thể hiện trong hợp đồng.

Đứng trước thực trạng này, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các quy định về việc thu thập thông tin chào bán, chào mua trên thị trường. Bao gồm cả giá chào bán, chào mua của chính chủ đầu tư triển khai dự án đó để đề xuất mức giá phù hợp.

Trên cơ sở này, đánh giá các yếu tố khác biệt giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh làm cơ sở xác định, thẩm định giá đất. “Nếu chưa thể ban hành ngay các văn bản quy định, kiến nghị các Bộ đồng ý cho thành phố thực hiện thí điểm”, UBND TP.HCM kiến nghị.

Phía Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng tán đồng với quan điểm của thành phố khi kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ khung giá đất định kỳ 5 năm một lần (quy định tại Điều 113 Luật Đất đai), theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Trong khoảng thời gian chưa kịp điều chỉnh Luật Đất đai, HoREA kiến nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thí điểm giao thẩm quyền cho HĐND, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".

Chủ tịch của HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, bảng giá đất và khung giá đất là một trong những yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách từ đất đai và thị trường bất động sản.

Trong một báo cáo gần đây, số tiền thu được trong hoạt động đất đai chiếm khoảng 8% trong tổng nguồn thu tại TP.HCM. Trong 8 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, toàn TP.HCM chỉ thu được 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với cùng kỳ năm 2019.

(Tổng hợp bởi odt.vn)