Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị đang tổ chức lấy ý kiến, góp ý của nhân dân về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và thay thế Nghị định số 83/2015/NĐ-CP.
Quy định chi tiết các đối tượng
Tại dự thảo này, Bộ đã bổ sung một loạt quy định mới về việc kinh doanh bất động sản cũng như điều kiện để được đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể trong hoạt động đầu tư bất động sản, điều kiện để các cá nhân được đầu tư ra nước ngoài như sau: "Nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp".
Lý giải điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, quy định nói trên để tránh tình trạng lách luật khi cá nhân đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Thứ hai, Luật Đầu tư năm 2020 chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021 đã quy định rõ, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.
Việc quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ tạo hiệu quả trong công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, hạn chế tình trạng các cá nhân đầu tư mua bất động sản nước ngoài để định cư mà không vì mục đích kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Đáng chú ý, ngoài việc bổ sung điều kiện đối với các cá nhân mua nhà ở nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quy định chi tiết các trường hợp không được đầu tư ra nước ngoài. Đó là các đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
Cụ thể như sau: Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; người dưới 18 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong việc làm chủ hành vi; người đang bị truy cứu trách nhiệm dân sự, đang bị tạm giam, đang chấp hành án tù, biện pháp xử lý hành chính; người đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phá sản.
Việc bổ sung điều khoản nói trên là cần thiết vừa thống nhất với các quy định về cán bộ, công chức, lực lượng quân đội, công an, vừa bảo đảm các cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định cũng góp phần hạn chế việc các cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước tẩu tán tài sản.
(Tổng hợp bởi odt.vn)