Nhằm ổn định sự vận hành của thị trường bất động sản, cũng như giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm hơn, UBND TP.HCM đã quyết định giữ nguyên bảng giá đất hiện hành giai đoạn 2020 – 2024.
TP.HCM cam kết không tăng giá đất giai đoạn 2020 - 2024
Tại phiên họp bất thường lần thứ 18 của HĐND TP.HCM diễn ra vào ngày 15/1/2020 vừa qua, vấn đề hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn thành phố năm 2020 và giá đất giai đoạn 2020 – 2024 đã được đưa ra thảo luận và xem xét.
Theo đó, trên tinh thần giữ nguyên bảng giá đất cũ ban hành năm 2014, bảng giá đất mới năm 2020 đã được các đại biểu HĐND thống nhất thông qua.
Cụ thể, giá đất trong khu công nghệ cao được tính theo mặt bằng giá đất ở. Trong khi đó, giá đất kinh doanh, sản xuất phi nông nghiệp, đất giáo dục, đất nghĩa địa, nghĩa trang bằng 60% giá đất ở liền kề; giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở liền kề. Giá đất nông nghiệp trong khu dân cư bằng 150% giá đất nông nghiệp cùng loại trong khu vực…
Như vậy, với quyết định không tăng giá đất giai đoạn 2020 – 2024, các tuyến đường: Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi… thuộc quận 1 vẫn là những khu vực có giá đất ở cao nhất trên địa bàn TP.HCM – khoảng 162 triệu đồng/m2. Và giá đất ở đô thị thấp nhất thành phố là 1,5 triệu đồng/m2.
Mặc dù không có sự thay đổi về bảng giá nhưng có một số thay đổi khác như: loại bỏ 262 tuyến đường trong bảng giá đất ở của 9 quận huyện; bổ sung 364 tuyến đường, đoạn đường trong bảng giá đất tại 15 quận huyện và 34 tuyến đường, đoạn đường trong khu công nghệ cao; điều chỉnh tên 445 tuyến đường tại 23 quận huyện…
UBND TP.HCM cho biết, bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 sẽ là căn cứ để tính thuế sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất (khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở); tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai …
Tín hiệu mừng với thị trường
Trưởng Bộ phận định giá Savills TP.HCM – bà Trần Thị Khánh Linh đánh giá động thái này của TP.HCM là tín hiệu mừng với thị trường bất động sản. Tuy nhiên bà vẫn còn những băn khoan như, khung giá đất trên chưa phản ánh đúng giá trị trường khiến cho những người thuộc diện bị thu hồi đất thấy thiệt thòi. Kéo theo đó sẽ là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ và phản ứng dây chuyền là cả dự án bị chậm tiến độ - một trong những tác nhân chính làm thu hẹp nguồn cung.
Trong khi đó, việc điều chỉnh khung giá đất không làm ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đồng vì Luật Đất đai năm 2013 quy định các dự án kể trên có nghĩa vụ tài chính được xác định trên cơ sở giá trị trường mà không căn cứ vào bảng giá đất. Điều đó đồng nghĩa với việc giá thành các sản phẩm bất động sản không bị ảnh hưởng nhiều.
(Nguồn Tổng hợp)