Theo số liệu thống kê vi phạm trật tự xây dựng của Sở Xây dựng TP.HCM, số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố tính từ ngày 15/12/2019 đến ngày 25/10/2020 là 631 công trình.
Trong 10 tháng có 631 công trình vi phạm trật tự xây dựng
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong tổng số 631 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có 364 trường hợp xây dựng không phép và 267 trường hợp xây dựng sai phép. Như vậy, trong 10 tháng qua, bình quân số vụ vi phạm trên 1 ngày là 1,9 vụ. Nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23) là 8,5 vụ/ngày thì số vụ vi phạm đã giảm 6,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 77,6%.
Số liệu trên cho thấy, tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở TP.HCM trong 10 tháng qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số vụ vi phạm vẫn còn nhiều – 631 vụ. Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, nguyên nhân đến từ thực trạng xây dựng trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, xây dựng trên đất nông nghiệp còn nhiều. Đặc biệt, thực trạng vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở các huyện ngoại thành vẫn tạp. Trong khi, công các thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm, dẫn đến các công trình hoàn thành, mua bán, chuyển nhượng, gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, còn là các nguyên nhân khác như: tình trạng quy hoạch công trình công cộng như giáo dục, công viên cây xanh tại các vị trí thiếu tính khả thi; thiếu kết nối hạ tầng theo quy hoạch; nhiều dự án đầu tư không đồng bộ; công tác quản lý, thực hiện quy hoạch còn hạn chế.
Mặt khác, việc không áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước dẫn đến chủ đầu tư của công trình vẫn thực hiện các giao dịch mua - bán, tặng – cho; tiếp tục thi công để hoàn thành đưa vào sử dụng; không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm.
Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, việc bổ sung các biện pháp ngăn chặn (không phải là biện pháp cưỡng chế) ngừng ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là hết sức cần thiết. Từ đó, góp phần giảm thiệt hại của người dân và cơ quan quản lý Nhà nước về thời gian, kinh phí trong việc tháo dỡ công trình vi phạm; đồng thời hạn chế thấp nhất tình trạng tiếp tục thi công xây dựng công trình làm phát sinh phần diện tích vi phạm mới gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
Trước đó, trong số 1.392 bộ hồ sơ, đoàn thanh tra của Sở Xây dựng thành phố đã kiểm tra 100 trường hợp được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở có diện tích lớn. Qua đó, xác định số hồ sơ chưa hợp lệ theo quy định là 89 trường hợp. Thông tin này được ghi nhận tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 tại TP. HCM.
(Tổng hợp bởi odt.vn)