Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, giá nhà tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội vẫn tăng cao. Tại TP.HCM, còn xuất hiện hiện tượng đầu tư ảo.
Thị trường bất động sản TP.HCM đầu tư ảo
Năm 2020, thị trường bất động sản TP.HCM có sự chênh lệch lớn về giá nhà và nguồn cung bất động sản. Cụ thể, tỷ lệ nhà ở cao cấp chiếm trên 50% nhưng thị trường lại khan hiếm những dự án nhà ở có giá thấp, giá phải chăng. Điều đó cho thấy sự phát triển không bền vững bởi bất động sản cao cấp có thể giúp doanh nghiệp củng cố thương hiệu nhưng nó không phục vụ cho nhu cầu của người dân, đặc biệt là khi ở Việt Nam, thu nhập của người dân còn thấp.
Đối với các căn hộ giá thấp, xảy ra tình trạng khan hiếm. Những dự án thuộc phân khúc bình dân bị đẩy giá lên cao, tương đương với phân khúc trung – cao cấp.
Sự chuyển dịch đầu tư từ các ngành kinh tế khác sang khiến lực cầu của thị trường bất động sản tại TP.HCM tăng mạnh, ước đạt 30-40% tổng cầu đầu tư thị trường bất động sản của thành phố. Trong đó, tập trung phần lớn ở các khu vực như TP. Thủ Đức và lan sang các khu vực Miền Đông Nam Bộ. Những sản phẩm bất động sản như căn hộ trung cấp, đất nền, căn hộ cao cấp có diện tích nhỏ có tính hấp thụ tốt hơn những căn hộ cao cấp có giá trên 70 triệu đồng/m2.
Mặc dù nhu cầu tăng cao, nhưng đây chỉ mang tính chất ngắn hạn do các nhà đầu tư tham gia thị trường với mục đích sinh lời nhanh rồi rút vốn.
Trong thời gian qua, giá nhà tại thị trường TP.HCM có sự biến động. Cụ thể, giá căn hộ thuộc phân khúc bình dân tăng tương đương với giá dự án thuộc phân khúc trung cấp. Giá nhà thuộc phân khúc trung cấp lại tăng tương đương với giá nhà thuộc phân khúc cao cấp.
Tuy nhiên, sự tăng giá này không phản ánh đúng chất lượng và giá trị của bất động sản, dẫn tới nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Ngoài ra, thị trường bất động sản tăng giá cho thấy sự phát triển không bền vững và nguy cơ gây ảnh hưởng tới tài chính, kinh tế…Đó cũng chính là tính ảo của thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay.