Hải Phòng đang xin ý kiến của người dân về việc tăng giá đất tại nhiều khu vực quận, huyện. Có khu vực tăng giá đất lên tới 172,7 – 174,5% so với giá cũ.
Hải Phòng đề xuất tăng giá đất nhiều khu vực
Nhiều khu vực tại quận, huyện thành phố Hải Phòng được đề xuất tăng giá đất. Trong đó khu vực có giá đất tăng cao nhất là huyện Thuỷ Nguyên. Nguyên nhân là do huyện Thuỷ Nguyên có 13 tuyến đường nông thôn tại một số xã đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo thành đường đô thị.
Cụ thể như đường 359, đường Máng nước, đoạn chạy qua địa phận các xã Thuỷ Triều, Tân Dương có mức giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng từ 172,7 – 174,5% so với mức giá cũ được áp dụng từ năm 2014. Giá đất tăng từ 20 – 40 triệu đồng/m2 lên 40 – 60 triệu đồng/m2. Đặc biệt, khu đất nằm gần UBND xã Núi Đèo đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2.
Giá đất tại các xã Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Minh Tân, Lưu Kỳ… cũng tăng 30%, lên tới 25 – 40 triệu đồng/m2.
Giá đất tại khu tái định cư Bắc Sông Cấm tăng từ 35 – 40 triệu đồng/m2 lên 55 – 70 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, một số khu đất nằm ở mặt đường 10, đoạn chạy qua xã Gia Minh, Đông Sơn, Kênh Giang, Lưu Kỳ, Thuỷ Sơn, Kiền Bái, Lưu Kiếm của huyện Thuỷ Nguyên cũng tăng từ 40 – 100% so với mức giá cũ.
Nhiều nơi tại huyện Thuỷ Nguyên có giá đất tăng gấp 2 lần, thậm chí gấp 3 lần so với mức giá hồi đầu năm 2020.
Với giá đất tăng như vậy, trong thời gian qua, hàng trăm đoàn nhà đầu tư đã đến Thuỷ Nguyên để tham khảo thị trường.
Nhờ vào việc đề nghị nâng cấp thành quận đô thị, huyện An Dương cũng tăng giá đất để tính tiền sử dụng đất. Cụ thể, các khu vực đô thị, quốc lộ 5, tuyến đường 208, đại lộ Tôn Đức Thắng có giá đất tăng trong khoảng 32 – 80% so với giá cũ.
Đường Chi Lăng, quận Hồng Bàng, đường phía Đông tại khu công nghiệp Đầm Vuông – quận Đồ Sơn cũng có mức giá đất tăng cao, khoảng 100 – 187,5% so với mức giá cũ.
Tại các quận nội thành cũ, giá đất tại một số tuyến phố như đường 126 Nam Sơn, đường vành đai hồ Tiên Nga, đường vòng hồ An Biên thuộc quận Ngô Quyền, tuyến đường Bùi Viện thuộc quận Kiến An, đường Hồng Bàng, Chi Lăng, Cam Lộ… cũng tăng từ 20,8 – 60%.
Ngoài ra, các tuyến phố tại các khu đô thị; tuyến phố tại các khu tái định cư; tuyến phố, tuyến đường nông thôn được đầu tư bằng vốn ngân sách theo chương trình nông thôn mới cũng được Hải Phòng áp giá tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Mặc dù giá đất tăng, thị trường bất động sản nóng sốt, nhưng theo các chuyên gia bất động sản, để tránh nguy cơ tăng giá “ảo”, các nhà đầu tư nên chờ thêm một thời gian nữa để có thể chắc chắn thông tin chính xác từ cơ quan quản lý Nhà nước trước khi đầu tư vào thị trường này.