Sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, từng ngành nghề của nền kinh tế đang quay trở lại vị trí vốn có của nó. Nhìn chung đến tháng 5, mọi hoạt động như đã trở lại thời điểm trước Tết Âm lịch, nổi bật nhất là thị trường bất động sản. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng hiện tại thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa thể lường trước.

Toàn cảnh thị trường căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh

Dấu hiệu hồi phục

Về mặt số lượng: Mới đây DKRA Việt Nam đã công bố báo cáo thị trường về căn hộ trên địa bàn TP.HCM trong tháng 5. Cụ thể: 8 dự án đã được mở bán trong đó có 6 dự án căn hộ chung cư đã mở bán trước đó và 2 dự án mới. Số lượng căn hộ được đưa vào lưu thông trên là 1.200, gấp 6 lần so với tháng trước. Số lượng căn hộ được giao dịch là 851 căn, đạt tỷ lệ 72,9% nguồn cung, gấp 16 lần so với tháng 4.

Tuy nhiên theo phân tích của DKRA thì những con số này vẫn chưa khái quát được hết thực trạng. Tuy tỉ lệ bán có cao nhưng số lượng giao dịch so với thời điểm trước dịch là thấp. Các dự án chỉ mở bán khoảng 30 - 50 căn mà phần lớn tồn từ trước đó. Trong bối cảnh như hiện tại thì tâm lý an toàn và thận trọng của chủ đầu tư như vậy là điều dễ hiểu.

Về mặt cơ cấu, 86% căn hộ được tung ra thị trường thuộc phân khúc căn hộ hạng A và B, hạng C không có căn hộ mở bán. Riêng phân khúc hạng sang đón nhận 162 căn hộ ở quận 2. Tuy nhiên đây là những căn hộ đã được quyết định mua và đặt cọc tiền từ thời điểm năm 2019.

Lý do chủ yếu được các nhà phân tích đưa ra nằm ở tâm lý của người mua. Việc sở hữu một căn hộ vừa túi tiền sẽ ít rủi ro hơn một căn hộ hạng sang tại thời điểm hiện tại. Ngoài ra nhu cầu tìm kiếm nhà ở thực của mọi người vẫn luôn cao nên sẽ có cơ hội bán nó đi nếu không ưng ý.

Tuy những con số trên đã cho thấy thị trường đang có dấu hiệu hồi phục nhưng để bứt phá được trong tháng 6 thì điều vô cùng khó khăn. Hơn thế nữa người mua hay người đầu tư thì đều tránh giao dịch vào tháng 7 - “tháng cô hồn”, vô hình chung đặt nặng áp lực lên thị trường

Ít cơ hội bứt phá

Cạn kiệt nguồn cung: Nguồn cung nhà ở “nhỏ giọt” đẩy giá lên cao khiến số lượng giao dịch đã ít nay càng khan hiếm hơn. Dự kiến đến cuối năm 2020, lũy kế nguồn cung căn hộ tại TP.CHM sẽ đạt 15.000 – 20.000 căn. Con số này so sánh với năm 2019 chỉ chiếm 60 – 70%.

Áp lực tài chính: Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lâm vào tình cảnh thất nghiệp, giảm nguồn thu. Mọi dự định mua hàng hóa xa xỉ như nhà, ô tô… đều sẽ thay bằng các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Những giao dịch trong lúc này chủ yếu là giới đầu tư tiềm lực tài chính khổng lồ đi “gom hàng”.

Xu hướng người mua: Một số người coi đây là thời điểm để sở hữu nhà giá rẻ. Họ tin rằng chủ đầu tư không chịu được áp lực, không cân đối được thu và chi sẽ “xả hàng” trong thời gian tới. Số khác lại lựa chọn những kênh đầu tư khác dù lợi nhuận ít nhưng đem lại cảm giác an toàn hơn.

Dự báo tương lai: Phía DKRA Việt Nam cho rằng tình trạng này sẽ kéo dài đến hết quý 3/2020. Trong khi đó, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC lại có cái nhìn thiếu lạc quan hơn khi cho rằng hết năm nay thị trường mới khởi sắc.

(Tổng hợp bởi odt.vn)