Hơn 30 năm vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã phải trải qua nhiều thăng trầm và biến động mạnh mẽ. Dịch Covid-19 mới đây là một liều thuốc thử cực mạnh với mọi phân khúc của thị trường này. Vậy, kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam sau dịch bệnh?
Cơ hội cho bất động sản nhà ở và công nghiệp lên ngôi
Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Thăm trầm bất động sản 2010 – 2020 và những xu hướng sắp tới”. Trong buổi tọa đàm này, các chuyên gia đã đưa ra những dự đoán và nhận định của mình về thị trường bất động sản Việt Nam sau dịch bệnh Covid-19.
Đại diện VNRea - ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay, dù dịch Covid-19 khiến cho thị trường bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng lao đao, nhưng xét một cách khách quan bất động sản nhà ở vẫn sẽ là điểm sáng trong tương lai bởi đó là nhu cầu thiết yếu.
Cho dù thị trường có khó khăn hơn nữa thì nhu cầu mua nhà ở thực vẫn luôn tồn tại và không ngừng tăng cao. Chỉ cần có sản phẩm phù hợp, người mua vẫn sẵn sàng giao dịch. Ngoài ra, việc phát triển nhà ở phải tận dụng được khoa học hiện đại thì mới bắt kịp được xu hướng quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.
Trong khi đó, bất động sản công nghiệp được dự đoán là sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Nguyên nhân được ông Nguyễn Mạnh Hà lý giải là Việt Nam có hàng loạt lợi thế từ nhân công, chính sách ưu đãi đến khả năng ứng phó dịch bệnh. Chính vì vậy, các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ chuyển dịch dần sự đầu tư và trang thiết bị cũng như máy móc từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận mà cụ thể là Việt Nam.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Mạnh Hà, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam và ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, nhanh nhất là cuối năm nay thị trường nhà ở sẽ ấm trở lại. Hiện người mua vẫn đang có tâm lý lo sợ nên còn đắn đo trong quyết định của mình. Nhưng nếu nhìn dài hạn thì đây vẫn là phân phúc tiềm năng do nhu cầu nhà ở lớn và mức sống của người dân ngày càng cao.
Tuy nhiên về bất động sản công nghiệp, cả 2 vị lãnh đạo đều có ý kiến, bên cạnh các lợi thế vốn có thì Việt Nam cần phải phát triển được hạ tầng, vận tải và các công nghệ phụ trợ.
Ngược lại ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC lại không đặt kỳ vọng vào bất động sản công nghiệp và đưa ra cảnh báo cho các doanh nghiệp. Bất động sản công nghiệp không đơn thuần là nhà máy, công xưởng, kho bãi… mà phải được xây dựng như một khu công nghiệp trong đó có nhà ở cho công nhân.
Dù không có niềm tin với phân khúc trên nhưng ông Quyết bày tỏ sự lạc quan về thị trường BĐS nói chung. Ông đã dẫn dắt tập đoàn của mình trải qua hai cuộc khủng hoảng vào năm 2008 và 2013 với kết quả tích cực. Vì vậy, hiện tại phải đối mặt nhiều thử thách nhưng ông vẫn tin tưởng vào sự phục hồi trong tương lai không xa. Ông đánh giá đây là thời điểm tốt để giao dịch bất động sản, cả với nhà đầu tư và người mua thực.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đều có chung niềm lạc quan rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng trưởng trở lại.
(Tổng hợp bởi odt.vn)