Cùng điểm lại một số tin tức nổi bật về bất động sản trong tuần qua. Bất động sản nổi sóng hay các thông tin quy hoạch, dự án mới là những thông tin nổi bật nhất của thị trường bất động sản trong tuần cuối tháng 4/2021.

Tin tức bất động sản nổi bật nhất tuần qua (26/4-30/4/2021)

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên, Hải Phòng trầm lắng

Thị trường bất động sản tại Thủy Nguyên, Hải Phòng trầm lắng dần không còn cảnh những đoàn xe từ khắp nơi nườm nượp về mua đất kể từ cuối tháng 3/2021 đến nay. Từ trung tuần tháng 4/2021, cơn sốt đất đã bắt đầu giảm nhiệt, mức giá tại các vị trí đã có chiều hướng giảm xuống và thị trường đã bắt đầu xuất hiện những tin rao bán cắt lỗ. Những lô đất mặt tiền đường lớn kinh doanh buôn bán sầm uất ở thị trấn Núi Đèo mới tháng trước còn được rao bán 90 - 100 triệu đồng/m2 thì nay đã có người bán giảm xuống mức 60 - 70 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Thuỷ Sơn, lúc cao trào được rao bán 120 triệu đồng/m2 thì nay môi giới báo chỉ cần khách thiện chí, chủ đất sẵn sàng giảm xuống 80 triệu đồng/m2. Một số lô đất ở Dương Quang từ mức 40 - 42 triệu đồng/m2 nay có không ít người chủ chỉ chào bán 30 - 35 triệu đồng/m2.

Đất nền Bắc Ninh đi ngang

Tại thị trường đất nền Bắc Ninh có hiện tượng đi ngang. Đầu năm 2021, Bắc Ninh trở thành điểm nóng với hiện tượng giá nhảy múa ở nhiều khu vực trong địa bàn tỉnh. Cụ thể, giá đất tại Yên Phong, tùy vào từng khu vực, vị trí, phân khúc đất dự án, giá nhích lên khoảng từ 5 - 10% so với thời điểm cuối năm 2020. Mức giá tại khu vực này dao động từ 20 - 25 triệu đồng/m2. Tại Tiên Du, đất đấu giá thuộc địa bàn Dương Húc (Đại Đồng), cuối năm 2019 có mức giá mở bán là 13 - 13,5 triệu đồng/m2 thì vào đầu năm 2021 giá nhảy vọt lên 25 - 33 triệu đồng/m2… Hay đất dự án tại Từ Sơn khoảng trên dưới 20 triệu đồng/m2 thì trong cơn sốt đầu năm 2021, đất bị nhảy lên mức 30 - 33 triệu đồng/m2. Đến thời điểm hiện tại, thị trường đất nền tại Bắc Ninh có dấu hiệu chững lại, giao dịch mua bán không nhiều. Tuy nhiên, có một số vị trí đắt đỏ, từ 55 - 80 triệu đồng/m2, còn lại giá đất tại các vị trí khác có dấu hiệu sụt giảm nhẹ. Các vị trí trên dưới 30 triệu đồng/m2 vẫn đang giữ giá ổn định.

Bất động sản hạ nhiệt

Sốt đất diễn ra trong các tháng đầu năm đã bắt đầu có dấu hiệu dừng lại, nhiều người mua nhà đang kỳ vọng diễn biến này sẽ giúp giá nhà đất ngưng "nhảy múa". Những cơn sốt đất, không chỉ đẩy mặt bằng giá lên cao làm gia tăng xu hướng đầu cơ, lướt sóng mà còn khiến rất nhiều người mua thực đánh mất cơ hội sở hữu nhà. Mỗi khi có hiện tượng sốt đất xảy ra là một lần giá nhà đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, để lại nhiều hệ lụy cho người dân, doanh nghiệp cũng như những địa phương nơi có sốt đất đi qua. Vào thời điểm hiện tại, khi các cơn sốt đất có hiện tượng “dứt” tại một số địa phương trên cả nước thì giá bán được dự đoán sẽ lao dốc. Dù chưa rõ ràng ở việc cắt lỗ, hay bán tháo BĐS sau đợt nóng sốt nhưng việc bán ra sản phẩm ở thời điểm này rất khó có giá như khi mua ở mức đỉnh.

Sốt đất tại Thanh Hóa

Với hàng loạt các thông tin tích cực về hạ tầng cơ sở vật chất đã khiến cho thị trường bất động sản của Thanh Hóa nổi sóng vào đầu năm 2021. Trong cơn sốt đất này, nhiều lô đất nền được chủ đầu tư sang tay 2-3 lần trong một tuần, mỗi lần sang tay mức giá chênh luôn cao hơn lần trước. Cụ thể, đất ven biển Quảng Xương đầu năm được ghi nhận chỉ có 5 - 7 triệu đồng/m2 thì hiện tại đối với vị trí đẹp mức giá lên tới 15 - 16 triệu đồng/m2, những vị trí khác giá cũng dao động trong khoảng từ 9 - 12 triệu đồng/m2. Đối với phân khúc đất thổ cư trong các ngõ nhỏ ở Quảng Xương tăng từ 3 - 4 triệu đồng/m2 lên đến mức 7 - 8 triệu đồng/m2. Thời điểm hiện tại, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm ổn định thị trường bất động sản, hoạt động mua bán trên thị trường không còn tấp nập nhưng giá đất tại các điểm nóng sốt vẫn đang neo cao chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, quay đầu.

Hà Nội quy hoạch thêm 8 quận mới.

Thành ủy Hà Nội mới ban hành chương trình 04 về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn mới. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí đô thị tại 5 huyện sẽ lên quận, cụ thể Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng. Các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Mê Linh sẽ lên quận vào giai đoạn 2026 - 2030.

Long An đề xuất đầu tư tuyến đường vành đai 3

UBND tỉnh Long An vừa đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải phương án đầu tư tuyến đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An. Tuyến đường dài 6,65km, thiết kế 6 làn xe cao tốc, nền đường rộng 67m với tổng mức đầu tư dự án lên đến 4.631 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 1.556 tỷ đồng, chi phí xây dựng, tư vấn và chi phí khác là 3.075 tỷ đồng.

Mở rộng thành phố Huế

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo phương án điều chỉnh, thành phố Huế có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 7 xã (tăng 9 đơn vị hành chính cấp xã) với tổng diện tích dự kiến là 265,99km (tăng gấp 4 lần so với hiện tại là hơn 70km2). Sau khi mở rộng, TP.Huế cũng sẽ thành lập thêm 4 phường gồm: Thủy Vân, Phú Thượng, Hương Vinh, Thuận An trên cơ sở nguyên trạng các xã Thủy Vân, Phú Thượng, Hương Vinh, Thuận An.

Lâm Đồng đầu tư khu du lịch quốc gia Đan Kia

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đan Kia – Suối Vàng tỷ lệ 1/2.000. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ có Khu du lịch quốc gia thứ hai sau Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Đó là Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng rộng gần 4.000ha nằm tại huyện Lạc Dương và TP. Đà Lạt.