Thị trường bất động sản Hà Nội đón nhận tín hiệu tích cực đầu tiên hậu đại dịch; nhiều địa phương trở thành điểm sáng mới trong phân khúc nghỉ dưỡng… là những thông tin bất động sản nổi bật trong tuần qua.
8 tháng thử thách thị trường
Sau 1 năm bị kìm hãm, nhiều chuyên gia hy vọng năm 2020 sẽ là thời điểm thị trường bất động sản Việt Nam bùng nổ. Nhưng đại dịch Covid-19 đã dập tắt điều đó. Quy mô thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án nhà ở thiếu hụt tác động trực tiếp làm nguồn cung nhà ở vốn đã thấp nay lại tiếp tục lao dốc. Người mua lẫn giới đầu tư đều chuyển tiền về chế độ chờ khiến thị trường gần như “ngủ đông”.
Các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản cũng không khả quan hơn khi rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ phải đối mặt với nhiều vấn đề về tài chính như chi phí quản lý, chi phí đầu tư, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương… Đặc biệt là các công ty nhỏ với dòng tiền lưu thông còn hạn chế.
Tín hiệu hồi phục đầu tiên
Sau gần 3 tuần không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, cuộc sống của người dân Việt Nam dần trở lại bình thường. Thị trường bất động sản cũng theo đó mà có những tín hiệu hồi phục đầu tiên. Điển hình là thị trường Hà Nội với hàng loạt nguồn cung mới.
Cụ thể, dự án chung cư phức hợp The Nine tại số 9 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy vừa chính thức chào bán với mức giá bình quân khoảng 41 – 52 triệu đồng/m2. Hay dự án Hanhomes Blue Star tại huyện Gia Lâm ra mắt với giá bán từ 20 triệu đồng/m2. Dự kiến đến quý 4 năm nay, thành phố còn đón nhận thêm 1 dự án thuộc phân khúc cao cấp là Lancaster Luminaire.
Điểm sáng mới ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng
Trước làn sóng dịch Covid thứ hai, nhiều địa phương vốn có thế mạnh trong du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng… lại đang xảy ra tình trạng rao bán khách sạn, homestay. Song ở những thị trường mới như Bình Thuận, Phú Yên… vẫn túc tắc có giao dịch dù không quá sôi động.
Đáng chú ý, căn hộ du lịch (condotel) ở các khu vực này không chứng kiến hiện tượng rao bán cắt lỗ. Nguyên nhân được các môi giới cho là condotel tại các thị trường mới nổi thường có mức giá khá cạnh tranh, chỉ từ 500 triệu đồng/căn. Trong khi đó, giá bình quân thực tế lại dao động từ 1,6 – 2 tỷ đồng/căn. Do tiền vốn bỏ ra quá thấp nên nếu nhà đầu tư không chịu áp lực tài chính từ các đòn bẩy kinh tế thì sẽ khó xuất hiện tình trạng rao bán ồ ạt.
Gần 30.000 căn hộ ở TP.HCM tắc sổ hồng
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã cho thấy những tồn đọng trong công tác nộp tiền sử dụng đất dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến sổ hồng. Báo cáo chỉ rõ, thành phố có 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) và 2.693 căn hộ officetel bị chậm cấp “sổ hồng”.
Tuy nhiên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Lý do mà HoREA đưa ra như sau: Một là, báo cáo được lập trong giai đoạn 2015 – 2020, tức là những dự án triển khai trước năm 2015 chưa được thống kê. Hai là, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện đơn vị đang tiếp nhận hồ sơ của hơn 100 dự án yêu cầu tính tiền sử dụng đất để xin cấp sổ hồng nhưng chưa được giải quyết. Chính vì vậy, Hiệp hội đã phải đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết tình hình hiện nay.
(Tổng hợp bởi odt.vn)