Nắm trong tay sản phẩm và nhạy bén với thị trường, môi giới bất động sản có lợi thế hơn những nhà đầu tư tay ngang. Họ sẽ chuyển vai trò sang nhà đầu tư khi nhận thấy cơ hội. Nhưng những biến động khó đoán từ thị trường đã khiến không ít môi giới rơi vào cảnh điêu đứng trong các phi vụ đầu tư này.

Khi môi giới bất động sản chuyển hướng sang đầu tư

Những bài học từ thực tế

Cuối tháng 3/2020, thị trường Hòa Lạc (Hà Nội) nổi sóng khi có thông tin một doanh nghiệp lớn sắp đầu tư 2 khu đô thị trên địa bàn huyện Thạch Thất. Ngay lập tức, giá đất tại đây tăng đột biến. Đơn cử như đất ở Quan Giai, Đồng Táng (Đồng Trúc) tăng đến hơn 6 triệu đồng/m2 với thửa trong ngõ, tăng từ 8-10 triệu đồng/m2 với thửa mặt ngõ. Đặc biệt, những lô đất nền có thể kinh doanh ghi nhận mức tăng gấp 3 lần trong 1 ngày, từ 7 triệu đồng/m2 lên 20 – 21 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Anh Đức, một người nhiều kinh nghiệm về tư vấn nhưng lại tham gia đợt sóng ở Hòa Lạc với vai trò người đầu tư. Khoảng vài năm về trước, anh từng thu lãi lớn khi lướt đất tại Đông Anh, Hoài Đức – thời điểm những địa phương này có thông tin quy hoạch lên quận. Vậy nên, anh nhảy vào Đồng Trúc, Hòa Lạc với tâm lý chắc thắng. Tuy nhiên, cơn sốt chỉ nóng trong vỏn vẹn 1 tuần rồi lặn mất tăm khiến vốn liếng của anh nằm trọn ở các lô đất chưa kịp giao dịch.

Chị Phạm Thị Hằng, một môi giới tại Đà Nẵng cũng chịu tình cảnh tương tự. Cuối năm 2018, công ty của chị có nhận phân phối đất nền cho một dự án ở Quy Nhơn, Bình Định. Nắm chắc thông tin về dự án nên chị cùng đồng nghiệp đã chung tiền để mua 2 lô đất nền. Đến đầu 2019, dự án chính thức mở bán giai đoạn 1 và cháy hàng chỉ trong vòng 6 ngày.

Nhiều người hỏi mua lô đất của chị với mức lợi nhuận khoảng 60 – 80 triệu đồng/lô. Sau khi đắn đo, 2 người quyết định không bán vì cho rằng giá sẽ còn cao nữa. Song mọi thứ lại không như ý, đợt mở bán thứ hai diễn ra trong tình cảnh đại dịch Covid–19 bùng phát. Từ 2 lô đất hot giờ đây chị Hằng và bạn phải rao bán bằng giá mua vào nhưng không ai hỏi thăm.

Vào năm 2018, sau một thời gian bán bất động sản nghỉ dưỡng, anh Trần Ngọc Huy quyết định quay trở lại thị trường chung cư Hà Nội. Cũng trong năm đó, anh tìm thấy một dự án khá tiềm năng chuẩn bị mở bán. Anh Huy quyết định đặt cọc tiền 3 căn đẹp nhất vì tin rằng sẽ bán được nhanh thôi. Nhưng thị trường Hà Nội không giống với những khu vực khác, biến đổi từng ngày từng giờ.

Đến khi vào tiền giai đoạn 1, anh bắt đầu cảm thấy nước đi của mình đã sai lầm. Bởi vì nếu nghiên cứu khu vực xung quanh nơi anh đầu tư, có rất nhiều dự án tương đương mà giá cả lại không quá chênh lệch, thậm chỉ là rẻ hơn. Do đó, 3 căn hộ của anh không những không sinh ra lời mà còn phải mất thời gian tìm khách mua.

Ông Lê Hồng Quân, người có kinh nghiệm lăn lội hơn chục năm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản phân tích: Không khó để nhận ra rằng, môi giới trong những câu chuyện kể trên chỉ muốn đầu tư ngắn hạn. Nhưng có một điều mà họ cần hiểu rõ, thị trường bất động sản luôn biến đổi, khó lường trước được. Vì vậy phải dùng cái bất biến để đối phó, mà cụ thể ở đây chính là tiềm lực tài chính. Chỉ có nguồn vốn mạnh mới đối mặt được với những thách thức và giành thắng lợi.

(Tổng hợp bởi odt.vn)