Sáng ngày 19/09 vừa qua, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban QLDA) đã tổ chức buổi lễ chính thức khánh thành nút giao thông An Sương.
Đưa vào sử dụng sau 18 năm thi công
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Ban QLDA, ông Lương Minh Phúc cho biết, nút giao An Sương nằm trên địa phận huyện quận 12 và huyện Hóc Môn. Công trình được thiết kế với quy mô 3 tầng là cầu vượt, mặt đất và hầm chui.
Trong đó, tầng trên cùng là cầu vượt, phục vụ cho các phương tiện lưu thông theo hướng Quốc lộ 1. Tầng dưới là mặt đất, gồm nút giao với đảo tròn trung tâm, hệ thống cây xanh, đèn tín hiệu, chiếu sáng. Tầng dưới cùng là tầng hầm, gồm 2 đường hầm chạy song song, cho phương tiện lưu thông theo chiều từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22 và ngược lại.
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, công trình đã được đánh giá là 1 trong 6 dự án trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là hạng mục cầu vượt trên QL1 được đầu tư bởi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải), đã hoàn thành vào tháng 7/2002. Giai đoạn 2 được thực hiện thông qua dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương, chủ đầu tư là Ban Giao thông. Hầm chui chia thành 2 nhánh N1 và N2, mỗi nhánh rộng 9m với tổng chiều dài là 830 m.
Trong đó, nhánh N1 dài 445 m, hướng di chuyển từ trung tâm thành phố đến huyện Củ Chi đã khởi công từ tháng 03/2017 và hoàn tất thông xe vào tháng 03/2018. Theo ghi nhận từ thực tế, nhánh hầm này đáp ứng được lưu lượng giao thông hướng từ đường Trường Chinh và QL22.
Nhánh còn lại dài 385 m, hướng từ huyện Củ Chi vào trung tâm thành phố. Tháng 12/2018, nhánh đã thi công xong 11/18 đốt nhưng phải tạm dừng vì vấn đề giải phóng mặt bằng. Đến giữa tháng 7/2020, nhánh N2 mới được đưa vào khai thác.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Ông Võ Văn Hoan chia sẻ: Phải mất gần 20 năm nút giao An Sương mới chính thức hoàn thành. Công trình góp phần hoàn chỉnh và mở rộng hệ thống giao thông tại cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Để đạt được kết quả như vậy, UBND thành phố gửi lời cảm ơn tới người dân quận 12 cũng như huyện Hóc Môn đã chia sẻ, hy sinh vì lợi ích chung để giúp TP.HCM có được một công trình lớn như hiện nay.
(Tổng hợp bởi odt.vn)