Thị trường bất động sản Lâm Đồng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn: Giao dịch và thanh khoản giảm mạnh và khan hiếm các nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại và nhà ở xã hội chậm tiến độ. 

Tìm hiểu nguyên nhân thị trường bất động sản Lâm Đồng gặp khó

Thực trạng khó khăn tại thị trường bất động sản Lâm Đồng 

Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2023, thị trường bất động sản Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo khảo sát của Bất động sản ODT, sức mua và thanh khoản tại nhiều khu vực giảm mạnh. 

Số lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng trong năm 2023 giảm xuống còn 18.800 giao dịch thông qua công chứng, trong khi trong năm 2022, lượng giao dịch đạt hơn 61.000 giao dịch đất nền. Tổng giá trị giao dịch lô đất nền trong quý I/2022 đạt gần 12.000 tỷ đồng, trong khi cả năm 2023 chỉ đạt 20.860 tỷ đồng. 

Phần lớn các giao dịch đất nền tại Lâm Đông trong giai đoạn này đều không qua công chứng. Cụ thể, trong năm 2020 có 80% giao dịch không qua công chứng, tới năm 2021 có tới 90% giao dịch không qua công chứng. 

Ngoài ra, nguồn cung bất động sản tại Lâm Đồng chủ yếu là đất nền đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Thị trường hiện thiếu các nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội và nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp tại đô thị. 

Các dự án nhà ở thương mại tại đây bị chậm tiến độ, trong khi việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội tại Lâm Đồng còn chậm, hiệu quả chưa cao. 

Chẳng hạn, trong những năm 2015 - 2023, tỉnh Lâm Đồng có 12 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 16.600 tỷ đồng và tổng quy mô diện tích đất 256ha. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà ở thương mại bị chậm tiến độ, thậm chí phải dừng. 

Đối với các dự án nhà ở xã hội, từ năm 2022 đến nay, tỉnh không có dự án nào được đưa vào sử dụng. 

Trong năm 2024, tỉnh chỉ triển khai 3 dự án nhà ở xã hội tại TP. Đà Lạt, gồm: dự án Nhà ở xã hội Kim Đồng; Khu quy hoạch 5B-CC5; và dự án Nhà ở xã hội Sào Nam. Thế nhưng, tiến độ các dự án này vẫn chưa đạt kế hoạch đã đề ra do khó khăn trong khâu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. 

Bất cập trong chính sách pháp luật hiện hành 

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 - 2023 của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Lâm Đồng gặp khó khăn là do chính sách pháp luật hiện hành chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các sàn giao dịch bất động sản, các cá nhân  tham gia hoạt động môi giới bất động sản, đồng thời các chế tài xử lý các vi phạm chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản chưa đề cập đến việc điều tiết thị trường bất động sản. 

Báo cáo của Đoàn ĐBQH chỉ rõ "Đa số cá nhân tham gia hoạt động môi giới bất động sản không thông qua hợp đồng môi giới nên cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở để quản lý hoạt động môi giới của cá nhân. Một số chủ đầu tư dự án bất động sản chưa tuân thủ quy định công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định".

Mặc khác, việc phát triển nhà ở xã hội tại Lâm Đồng chưa đa dạng về hình thức, chủ yếu là kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng. Chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Nhà ở xã hội chưa đa dạng về loại hình, chủ yếu là căn hộ chung cư. Đối tượng thủ hưởng nhà ở xã hội chủ yếu dành cho người thu nhập thấp tại đô thị. Chưa có dự án nào cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. 

Để giải quyết những khó khăn tại thị trường bất động sản, tỉnh Lâm Đồng cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất. Đồng thời, sớm triển khai thực hiện các dự án bất động sản, trong đó ưu tiên đẩy mạnh tiến độ các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới. 

Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng làm rõ kết quả đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động trực tiếp sản xuất, có thu nhập từ tiền công, tiền lương không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.