Thị trường nhà ở xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội. 

Thị trường nhà ở xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt tình trạng "lách luật" để mua

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có tín hiệu phục hồi trong những tháng đầu năm 2024, phân khúc nhà ở xã hội lại đối mặt với nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án NƠXH, và tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn NƠXH. Đây là kết luận tại phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024 diễn ra ngày 13/5/2024,

Ngoài ra, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Đến nay mới có 29/63 UBND tỉnh công bố 69 dự án tham gia Chương trình nhưng chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, tổng nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. 

Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân đạt 640 tỷ đồng cho 8 chủ đầu tư và giải ngân 6 tỷ đồng đối với người mua nhà tại 3 dự án. 

Bên cạnh đó, do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối, giá nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến. 

Theo kế hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 và trong năm 2024, Chính phủ cũng giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo bất động sản ODT tìm hiểu, đến hết quý I/2024, cả nước mới chỉ hoàn thành, khởi công xây dựng và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 16.008 căn. 

Thêm nữa, việc phân bố, phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương đang không đều. Cụ thể, Hà Nội và TP.HCM mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu về nhà ở xã hội cho người dân trên địa bàn. Một số tỉnh thành như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Nam Định hầu như không có một dự án nhà ở xã hội nào được khởi công trong 3 năm qua. 

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình. Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định những vướng mắc, bất cập, vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội trong thời gian tới.