Luật Đất đai 2024 mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt Kiều. Lượng kiều hối được kỳ vọng sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới. Cùng bất động sản ODT tìm hiểu thông tin này qua bài viết dưới đây. 

Dòng kiều hối sẽ là động lực giúp bất động sản phát triển

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai 2024 với nhiều điểm mới so với bộ luật mới. Luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. 

Một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 là các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở đối với Việt kiều. Cụ thể, Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về "Người sử dụng đất" quy định người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài. 

Theo đó, Luật Đất đai 2024 cho phép "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" và "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài" được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam khi đủ điều kiện. 

Theo Luật Đất đai hiện hành, người Việt Nam ở nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải nhờ người thân hoặc họ hàng đứng tên hộ. Việc này gây ra rất nhiều vấn đề như tranh chấp hay rủi ro trong quá trình đầu tư, dẫn đến tâm lý e ngại, không sẵn sàng "xuống tiền" của Việt kiều. 

Do đó, việc mở rộng quyền và quy định đối với Việt kiều theo Luật Đất đai 2024 sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Từ đó, đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở, đầu tư của Việt kiều và người lao động ở nước ngoài, đồng thời thúc đẩy dòng kiều hối đổ vào thị trường bất động sản. 

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang rơi vào tình trạng "khát vốn", lượng kiều hối được dự đoán sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới. 

Cũng theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong dài hạn, dòng kiều hối sẽ là nguồn cầu mạnh mẽ giúp thị trường địa ốc phát triển. 

Dòng vốn này sẽ hướng tới các sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm và lân cận, có thể khai thác vận hành cho thuê; các sản phẩm biệt thự cao cấp tại thành phố lớn; bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Đây đều là những sản phẩm được đánh giá là thanh khoản khó, kén khách nhưng lại là phân khúc ưa thích, phù hợp với khả năng chi trả của Việt kiều và phù hợp với mục đích mua để nghỉ dưỡng, cho thuê hoặc dưỡng già. Ngoài ra, các sản phẩm căn hộ ở trung tâm và ven thành phố lớn cũng thu hút dòng vốn đầu tư từ Việt kiều nhờ vào khả năng khai thác cho thuê. 

Để thúc đẩy và kéo dòng kiều hối về Việt Nam, VARS cho rằng ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai 2024, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, viễn thông và các dịch vụ công cộng khác để tăng tính cạnh trang của thị trường bất động sản và thu hút Việt kiều. 

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết lập các chính sách thuế ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế đối với Việt kiều đầu tư vào bất động sản; đảm bảo các quy định liên quan đến bất động sản minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người đầu tư và Việt kiều; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành quỹ kiều hối bất động sản. 

Các doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu, xây dựng các dự án bất động sản đạt tiêu chuẩn cao dành cho nhà đầu tư và người mua ở thực là Việt kiều.