Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, giai đoạn sắp tới tại các tỉnh ven biển có tiềm năng phát triển công nghiệp sẽ nhận được nhiều sự chú ý của cả nhà đầu tư trong nước lẫn các tập đoàn nước ngoài do hội tủ đầy đủ các yếu tố về hạ tầng, cảng biển...
Xu hướng phát triển trên thế giới
Không chỉ tại Việt Nam mà tại các nước có nền công nghiệp phát triển như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc... đều có những khu vực gắn liền công nghiệp với các cảng biển. Đó là những địa phương ven biển được định hướng phát triển công nghiệp ngay từ đầu, chỉ đợi tới khi làn gió đầu tư mới bắt đầu sẽ phát triển rất nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Thực tế đã chứng minh nhu cầu đầu tư bất động sản công nghiệp tại các khu vực có cảng biển hoặc nằm ven biển thường rất lớn, do đó tỷ lệ lấp đầy luôn duy trì ở ngưỡng cao nhất.
Tại Việt Nam, theo CBRE đánh giá các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu... đây là những địa phương có truyền thống và đầy đủ tiềm lực để phát triển công nghiệp một cách bài bản theo hướng hiện đại.
Như Hải Phòng, đây là địa phương có nền công nghiệp phát triển lâu nhất miền Bắc với rất nhiều dự án trọng điểm. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng luôn nằm trong top đầu khu vực phía Bắc với gần 60%. Địa phương này hiện cũng còn nhiều quỹ đất và dư địa để phát triển tiếp các khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một cao trong tương lai.
Một địa phương ven biển khác ở phía Bắc không thể không nhắc tới đó là Quảng Ninh. Với lợi thế vị trí đặc biệt do có cửa khẩu giáp với Trung Quốc, Quảng Ninh được coi như một trong những trọng điểm công nghiệp mới để các doanh nghiệp di dời từ Trung Quốc sang Việt Nam nhắm tới. Bên cạnh đó những năm gần đây hạ tầng giao thông của địa phương này ngày một phát triển, qua đó đẩy mạnh tính kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với các địa phương lân cận như Hải Phòng, Hà Nội. Tính kết nối là một yếu tố quan trọng khi nhắc tới bất động sản khu công nghiệp, bởi nó ảnh hưởng rất lớn tới các chi phí đầu vào liên quan tới vận chuyển, logistics...
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh được cho là tạo nhiều điều kiện về chính sách cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Các chủ đầu tư dự án hạ tầng công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ được tính mức phí thuê đất trong 5 năm ở mức thấp nhất, bên cạnh đó còn nhiều mức hỗ trợ trong việc giải phóng mặt bằng và cả quá trình sau khi đi vào vận hành hoạt động.
Theo nhận định từ CBRE, thời gian gần đây các tập đoàn đa quốc gia đều nghe ngóng thông tin từ những diễn biến mới trên chính trường Mỹ. Rất có thể sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách của nước này trong thời gian sắp tới, vì vậy vấn đề dịch chuyển đầu tư cũng phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên công ty này cũng đánh giá, về lâu dài xu hướng dịch chuyển bớt các nhà máy ra khỏi Trung Quốc là không thể tránh khỏi, do đó trong lúc này Việt Nam cần chuẩn sẵn các kế hoạch để đón chờ một làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ trong tương lai.
Hiện quỹ đất công nghiệp của các địa phương phía Bắc đang ở mức gần 14.000 héc ta đất và tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức khá tích cực 80%. Với các địa phương phía Nam, tỷ lệ lấp đầy cao hơn ở mức gần 90% và quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp cũng lớn hơn. Mặc dù vậy theo đánh giá, hiện nay đã bắt đầu có dấu hiện khan hiếm nguồn cung đối với bất động sản công nghiệp đã hoàn thiện có khả năng đi vào hoạt động ngay lập tức. Đây cũng là một vấn đề cần giải quyết nếu muốn đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới.