Kể từ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, và nhất là sau đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng trên thế giới đang dần thay đổi. Khi đó Việt Nam nổi lên như một trong những nước được hưởng lợi lớn nhờ các doanh nghiệp nước ngoài “tháo chạy” khỏi Trung Quốc. Điểm sáng nhất trong thời gian sắp tới có thể sẽ là phân khúc bất động sản công nghiệp.
Đã đến thời của bất động sản khu công nghiệp
Từ các dữ liệu mới được công bố của CBRE Việt Nam, công ty hàng đầu trong lĩnh vực quản lý và tư vấn cho thuê bất động sản hiện nay cho thấy thời gian gần đây số lượng yêu cầu tư vấn để cho thuê đất và nhà xưởng từ các doanh nghiệp mới ngày một tăng nhanh. Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp ngoại đối với thị trường bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam. Đây rõ ràng là cơ hội mà chúng ta cần nắm lấy để trở thành một trong những trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Do hiện tại quỹ đất tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, vì vậy các thành phố vệ tinh hoặc các tỉnh giáp ranh cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm như Bình Dương, Long An, Đồng Nai... Đây hầu hết đều là những tỉnh có lợi thế về địa lý cũng như kết nối tốt với các đô thị lớn, ngoài ra cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi lưu trữ và dịch vụ logistics đều đã phát triển. Hiện tại các quỹ đất lớn từ 500 đến 1000 ha, có đủ điều kiện để xây dựng nhà xưởng quy mô lớn là điều mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nhắm đến.
Ngoài ra gần đây Việt Nam định hướng thúc đẩy kinh tế dựa vào xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu và Mỹ, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại lớn như EVFTA hay Hiệp định thương mại tự do (FTA), điều này cũng đang góp phần vào việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm. Các hiệp định này sẽ đẩy mạnh giao lưu thương mại giữa Việt Nam và các nước khác, đặc biệt là Châu Âu và Mỹ, từ đó sẽ kéo theo làn sóng các doanh nghiệp tại các quốc gia này thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản công nghiệp gần đây một phần là nhờ Việt Nam đang sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào và giá nhân công vẫn còn thấp hơn các nước khác.
Các dữ liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ đầu năm tới nay các KCN trên cả nước đã thu được thêm 390 dự sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng số vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam trong năm nay hiện đã tăng thêm 4,3 tỷ USD. Trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều dòng vốn ngoại đổ bộ vào nước ta, có thể lấy ví dụ như tập đoàn Samsung đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 17 tỷ USD trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng đánh giá ngoài các lợi thế đang có, Việt Nam hiện vẫn còn các hạn chế ví dụ như: hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp vào GDP của các Khu công nghiệp và Khu kinh tế trọng điểm còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có… vì thế cần nhiều thay đổi đến từ cơ chế lẫn chính sách hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp, các khu kinh tế trọng điểm.
Trong một động thái rất tích cực, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý, phát triển Cụm công nghiệp. Đánh giá về việc này, một chuyên gia về bất động sản khu công nghiệp cho biết, điểm đáng chú ý của Nghị định sửa đổi lần này đó là tập trung vào giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển Cụm công nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, Chính phủ có thể sẽ ưu tiên thu hút nguồn vốn tư nhân để kết hợp phát triển hạ tầng các cụm, khu công nghiệp trọng điểm, để từ đó sẵn sàng đón đầu dòng vốn ngoại đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
(Tổng hợp bởi odt.vn)