Năm 2020 được dự báo là một năm đầy sóng gió của thị trường BĐS thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên giá bán nhà đất tại TP.HCM lại có dấu hiệu tăng phi mã. Các chuyên gia BĐS và người mua đang đi tìm nguyên nhân và giải pháp cải thiện tình hình này.
Hai nguyên nhân chủ yếu
Bên cạnh việc bùng phát bất ngờ của dịch Covid-19 thì nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân chính khiến giá nhà đất TP.HCM không ngừng tăng. Việc siết chặt sử dụng quỹ đất do nhà nước quản lý và thay đổi trong quy trình phê duyệt dự án BĐS đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong triển khai dự án mới. Số liệu phân tích của HoREA cho thấy nếu năm 2018 nguồn cung chỉ giảm 20% thì con số này năm 2019 lên tới 70%. Chỉ có 1 dự án được cấp phép mở bán trong năm 2019. Hệ quả của điều này là phân khúc thị trường sơ cấp, mức giá bán tăng bình quân từ 10-15%, còn thị trị trường thứ cấp có nơi tăng đến 20-30%.
Một nguyên nhân khác khiến BĐS khó giảm giá là chi phí thực hiện dự án ngày càng cao. Chính vì vậy bên chủ đầu tư chú trọng vào các dự án cao cấp để thu lại vốn thay vì thị trường nhà bình dân. Trong quá khứ giá nhà tại TP.HCM luôn thấp hơn Hà Nội nhưng đến thời điểm hiện tại giá nhà TP.HCM đã “vượt xa”. Giá bán tại nhiều dự án đang bị thổi phồng quá mức, lớn hơn nhiều so với giá trị vốn có của nó. Chi phí phát triển mỗi năm một tăng khiến những dự án xây dựng trong thời gian dài buộc phải tăng giá bán để có lợi nhuận. Ngoài ra vẫn còn không ít chủ đầu tư lợi dụng thời điểm khan hiếm này mà tăng giá bất chấp.
Đi tìm giải pháp
Giải pháp cấp thiết trong thời điểm hiện tại là khơi thông nguồn cung và tăng cường phát triển nhà ở bình dân để kéo giá bán BĐS đến vừa tầm tay người có nhu cầu. Tuy nhiên để làm được điều này cần có sự cải cách trong cơ chế phê duyệt dự án cũng như mở ra những ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ. Điển hình nhất là phải gỡ rối ngay cho 126 dự án nhà ở sử dụng quỹ đất tổng hợp bị tắc vì thủ tục đầu tư từ năm 2018.
Bà Nguyễn Hương - TGĐ Đại Phúc Land cho rằng doanh nghiệp chỉ cần xin thành phố hỗ trợ về cơ chế và chính sách để hoạt động thuận lợi hơn. Thực trạng giá nhà tăng liên tục qua các năm do công tác quản lý còn nhiều bất cập. Cụ thể việc xin phép chủ trương xây dựng khó khăn, phức tạp làm mất rất nhiều thời gian khiến dự án đội vốn và doanh nghiệp không triển khai thực hiện nhà giá thấp 20 - 25 triệu/m2.
Đại diện phía quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết: “Vấn đề hiện tại là cần có cơ chế hỗ trợ ưu đãi cho nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi phải quy định rõ ràng trách nhiệm. Có thể ưu tiên quỹ đất, quy hoạch hay giải pháp chính như gia hạn nộp tiền đất, miễn giảm tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang sửa đổi, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều hơn vào phân khúc này.
Cũng theo ông Ninh, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết về việc khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, đồng thời ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại cho người có thu nhập thấp.
(Tổng hợp bởi odt.vn)