Không hổ danh là “kênh đầu tư vua” tại Việt Nam, thị trường bất động sản năm 2020 vẫn ghi nhận những diễn biến khó lường bất chấp tác động từ đại dịch. Trong khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế, vẫn xuất hiện những khu vực có giá trị bất động sản tăng cao hơn trước nhiều lần.

Thị trường bất động sản vẫn sôi động dù còn nhiều thách thức

Đất vùng ven Hà Nội và các tỉnh lại dậy sóng

Trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều thách thức và phần đông người dân bị ảnh hưởng, thị trường bất động sản dường như lại đang đi ngược lại với những diễn biến khá sôi động. Theo các báo cáo thị trường mới được ghi nhận, do nguồn cung căn hộ mới khan hiếm dẫn tới giá trị bất động sản tại một số khu vực đang tăng lên cao hơn so với trước khi xảy ra đại dịch. Trong khi đó phân khúc đất nền vốn là sản phẩm ưa thích của giới đầu tư lại một lần nữa sôi động trở lại, đặc biệt là tại các khu vực vùng ven như Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Hòa Lạc...

Một điểm đặc biệt trên thị trường bất động sản hiện nay đó là sự xuất hiện của lớp nhà đầu tư mới, những người này với số vốn nhỏ nên đã chịu khó đi xa hơn để khám phá các khu vực mới. Điều này lý giải vì sao một số khu vực nông thôn nằm ở xa trung tâm, hệ thống hạ tầng cơ sở lẫn các tiện ích đều chưa phát triển nhưng giá vẫn tăng lên. Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, có những khu vực mặc dù không có nhiều thay đổi nhưng giá đã tăng lên gấp vài lần so với năm trước, thậm chí cả đất nông nghiệp hoặc đất trồng cây lâu năm cũng bị thổi giá lên.

Tại các thị trường tỉnh lẻ có vị trí địa lý giáp ranh với Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên hay Bắc Giang cũng ghi nhận tình trạng giá đất nền tăng lên so với trước. Lấy ví dụ về giá đất nền tại một khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, nếu cách đây 6 tháng giá đất thường được giao dịch trong ngưỡng từ 26-28 triệu đồng/m2 thì nay đã lên mức 30 – 32 triệu/m2. Tại những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp như Quế Võ, Yên Phong giá đất đã tăng từ 3 – 5 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí. Đối với những bất động sản nằm ở khu vực sầm uất hoặc có vị trí đắc địa tại tỉnh lẻ, do mức giá trước đây đã rất cao nên không tăng mà có xu hướng đi ngang, đơn cử như nhà mặt tiền có thể kinh doanh được tại khu vực Bồ Sơn ghi nhận mức giá 40 – 50 triệu đồng/m2, thậm chí có những tuyến phố giá đã lên ngưỡng 80 – 90 triệu đồng/m2.

Ngay đến những thị trường bất động sản từng chịu nhiều áp lực giảm giá trong năm 2019 như Phú Quốc thì nay cũng chứng kiến sự hồi phục nhẹ. Đây được coi là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhất do mất đi nguồn khách quốc tế đến du lịch, tuy nhiên bất động sản tại đây vẫn giữ giá. Tại một số tuyến phố ở khu vực trung tâm giá bất động sản vẫn neo cao ở ngưỡng 100 – 150 triệu đồng/m2, đơn cử như các bất động sản nằm trên trục giao thông chính của thị trấn Đông Dương vẫn được chào bán với mức giá từ 120 – 180 triệu đồng/m2.

Nhìn chung thị trường bất động sản tuy có nhiều thách thức nhưng vẫn nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Theo một số chuyên gia đánh giá, người dân không dám đầu tư kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, vì vậy một lượng lớn tiền sẽ được chuyển vào kênh bất động sản. Đa phần trong số này là của những nhà đầu tư mới, ít kinh nghiệm, do yếu tố dịch bệnh nên mới chuyển hướng đầu tư. Chính vì vậy, những người này cần đặc biệt chú ý tới vấn đề pháp lý của bất động sản để tránh đầu tư phải các “dự án ma”. Bên cạnh đó cũng nên tránh mua ở những khu vực quá xa xôi và heo hút để không bị chôn vốn do khó bán lại khi cần.