Việt Nam đang là điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2020. Một phần bởi chúng ta đã kiểm soát rất tốt đại dịch Covid – 19, bên cạnh đó còn là nỗ lực của Chính phủ trong việc ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại quan trọng.

Bộ Xây dựng: Mức độ quan tâm đối với bất động sản công nghiệp tăng cao

Bất động sản công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy cao kỷ lục

Báo cáo về thị trường nhà ở và bất động sản quý 3 của Bộ Xây dựng cho thấy phân khúc bất động sản công nghiệp đang là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn vốn ngoại nhất. Cùng với đó là tỉ lệ lấp đầy được ghi nhận ở mức cao nhất từ trước tới nay và dự báo sẽ còn tăng lên tiếp trong giai đoạn năm 2021 khi mà dịch bệnh dần được kiểm soát trên thế giới nhờ có vắc-xin.

Cụ thể, tại bốn tỉnh trọng điểm về công nghiệp ở khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã ghi nhận tỉ lệ lấp đầy trung bình là 84.5%. Trong đó riêng tại TP.HCM tỉ lệ lấp đầy cao kỉ lục với 90% diện tích công nghiệp được lấp đầy, với 3 tỉnh nằm xung quanh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai đều ghi nhận mức lấp đầy trên 80%.

Do tỉ lệ lấp đầy cao và có xu hướng tăng lên khiến cho tình trạng khan hiếm quỹ đất công nghiệp bắt đầu xuất hiện. Điều này cũng ảnh hưởng tới giá cho thuê đất công nghiệp, tại một số nơi mức giá đã tăng từ 20 cho tới 30% so với năm trước.

So với khu vực phía Nam, tại phía Bắc tỉ lệ lấp đầy có phần thấp hơn, tuy nhiên cũng đạt mức cao. Cụ thể, tính trung bình tại 5 tỉnh và thành phố có diện tích đất công nghiệp lớn là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt mức 78%. Trong số các địa phương này thì Hà Nội và Bắc Ninh có tỉ lệ lấp đầy cao nhất với tỉ lệ trên 80%. Song song với đó là giá thuê cũng có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ năm 2019 từ 20 – 30%.

Những số liệu đó cũng cho thấy phần nào bức tranh của thị trường bất động sản khu công nghiệp trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được đẩy lùi và thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết, Bộ Xây dựng dự báo sự dịch chuyển đầu tư sẽ còn tăng lên trong giai đoạn tiếp theo, kéo theo nhu cầu về bất động sản công nghiệp ngày một lớn.

Bên cạnh đó không thể không nhắc tới những nỗ lực của Chính phủ trong việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại như EVFTA với Liên minh Châu Âu hay gần đây là hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực ASEAN (RCEP) cũng đã giúp nâng tầm và vị thế về kinh tế của Việt Nam trong mắt bạn bè và đối tác quốc tế. Sắp tới Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục dành sự ưu tiên cho lĩnh vực thu hút đầu tư quốc tế, bởi vậy nhiều chính sách và cơ chế sẽ được sửa đổi theo hướng giải quyết dứt điểm những bất cập trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là đối với bất động sản khu công nghiệp.