Mới đây Hiệp hội Đầu tư tài chính hay còn gọi là VAFI đã có kiến nghị đưa lãi suất huy động giảm dần về 0% gây ra nhiều tranh cãi. Câu hỏi giả thiết rằng nếu đưa lãi suất về ngưỡng 0% thì liệu nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng ra sao?

Thị trường bất động sản sẽ ra sao nếu lãi suất huy động giảm về 0%

Đề xuất táo bạo nhưng thiếu thực tế

Kiến nghị của VAFI đã vấp phải sự phản ứng khá lớn từ cả giới chuyên gia lẫn người dân trong những ngày gần đây. Không ít người cho rằng đề xuất trên là phi lý và thiếu thực tế, khó mà áp dụng được tại Việt Nam. Luận điểm của VAFI cho rằng nên đưa lãi suất về mức 0% là do hiện nay thị trường tài chính của nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng điều này từ lâu, thậm chí có một số nước còn áp dụng lãi suất âm (người gửi tiền phải mất phí). Với mức lãi suất huy động thấp như vậy dẫn tới lãi suất cho vay cũng khá thấp chỉ từ 2 – 5%/năm, đó cũng là lợi thế để giúp kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất và giúp ích cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, phần đông giới chuyên gia tài chính và ngân hàng tại Việt Nam đều có ý kiến trái chiều về đề xuất này của VAFI, bởi nền kinh tế Việt Nam hiện nay là rất khác so với các nền kinh tế vốn đã rất phát triển của Mỹ và Châu Âu. Trong bối cảnh lạm phát thực của Việt Nam còn lớn, độ rủi ro đầu tư và biến động tỷ giá chưa ổn định, việc giảm lãi suất huy động tiền gửi sẽ tác động vô cùng to lớn tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và các thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ nói riêng. Chúng ta khó mà đo lường được hết các tác động của việc này. Mặc dù vậy, với đề xuất có phần táo bạo trên, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ra sao nếu như lãi suất có thể giảm dần về 0%?

Thị trường bất động sản liệu có "bong bóng"?

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết theo quy luật từ xưa tới nay thì việc hạ lãi suất luôn có lợi cho thị trường bất động sản. Bởi khi kênh huy động tiền gửi không còn hấp dẫn người dân, một lượng tiền lớn sẽ được rút ra để tìm tới nơi cho khả năng sinh lời tốt hơn. Tại Việt Nam, ngoài kênh tiền gửi tiết kiệm thì người dân thường có suy nghĩ đầu tư vào vàng và bất động sản.

Trong bối cảnh giá vàng đang neo ở mức cao thì bất động sản sẽ là lựa chọn hàng đầu cho đa số người dân. Mặc dù vậy, một lượng tiền lớn nếu đổ vào thị trường bất động sản có thể sẽ gây ra tình trạng “bong bóng” và dẫn tới các nguy cơ lớn hơn. Hiện nay tín dụng bất động sản đang được Ngân hàng nhà nước theo dõi rất sát, bởi Chính phủ đang yêu cầu kiểm soát chặt rủi ro, tránh việc tăng quá nóng dẫn tới đổ vỡ. Do đó kể cả lãi suất hạ về 0% thì cũng khó có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới thị trường.

Một ý kiến khác đến từ chuyên gia ngân hàng là TS.Nguyễn Trí Hiếu, ông đánh giá đề xuất của VAFI là thiếu khả thi và chỉ mang lại lợi ích cho một số kênh đầu tư cụ thể như chứng khoán. Với mức lạm phát luôn tiệm cận và xoay quanh ngưỡng 4%/năm, việc giảm lãi suất tiền gửi có thể gây ra các rủi ro mang tính hệ thống và rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng tại Việt Nam nếu như người gửi tiền ồ ạt đi rút.

Theo ông Hiếu, tại các nước phát triển lạm phát hàng năm rất thấp và các ngân hàng ở các nước này cũng không mặn mà với tiền gửi tiết kiệm, trong khi đó các ngân hàng Việt Nam hiện nay còn dựa nhiều vào nguồn huy động của người dân. Ngoài ra, tại Việt Nam người dân có ít các kênh đầu tư để lựa chọn, vì vậy khả năng sẽ xảy ra bong bóng ở một số kênh như bất động sản, vàng hoặc chứng khoán là rất cao nếu đề xuất phi thực tế trên thành hiện thực.