Ảnh hưởng của đại dịch Covid–19 tiếp tục phủ bóng lên thị trường bất động sản, tác động trên còn đặc biệt nghiêm trọng khi thị trường vừa trải qua cơn sốt hồi đầu năm. Hiện tại ở một số tỉnh thành, giá đất có xu hướng giảm nhiệt và có lượng giao dịch rất thấp.

Phân khúc đất nền vùng ven giảm nhiệt

Đất vùng ven giảm nhiệt

Theo thống kê, trong tháng 5 vừa qua lượng tìm kiếm liên quan tới bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền đã giảm mạnh. Đây cũng là thời điểm mà dịch Covid–19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Đây cũng chính là những địa phương có mức giảm cả về nhu cầu lẫn giá bất động sản cao nhất trên cả nước.

Nếu trước đó chỉ 1 tháng, vào thời điểm cơn sốt vẫn còn đang âm ỉ thì lượng nhà đầu tư quan tâm tới bất động sản vùng ven còn nhiều, đặc biệt đối với phân khúc đất nền tại các tỉnh như Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Đà Nẵng đã xảy ra hiện tượng sốt nóng khiến giá đất nhảy múa từng ngày. Tuy nhiên tới thời điểm này, mức độ quan tâm đã giảm đi đáng kể. Cụ thể, tại Bắc Giang mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với đất nền giảm 49%, Hà Nam giảm 46%, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh giảm 36%, Quảng Nam và Đà Nẵng giảm 38%. Trong khi đó con số thể hiện mức độ quan tâm của nhà đầu tư giảm chung toàn thị trường là 19%.

Với các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, mức độ giảm tuy có thấp hơn nhưng cũng không tránh khỏi xu thế chung của toàn thị trường. Tại Tp.HCM, phân khúc đất nền có lượt tìm kiếm giảm mạnh so với tháng trước tới gần 30%, trong khi đó Hà Nội là 33%. Các khu vực vùng ven của Hà Nội và TP.HCM như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh hay Bình Chánh, Nhà Bè đều không còn được các nhà đầu tư tìm kiếm nhiều như trước.

Các địa phương lân cận vốn có sức hấp dẫn lớn trong thời gian qua như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An có mức giảm thấp nhất trên cả nước. Trong đó 3 tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà rịa – Vũng Tàu có mức giảm trung bình từ 11 - 13%, còn Bình Dương có mức giảm thấp nhất cả nước ở mức 9%. Đối với các khu vực khác như các tỉnh miền Tây, do sức hút về bất động sản tại đây không lớn vì vậy độ biến động không đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.

Theo các chuyên gia, lý do dẫn tới việc thị trường bất động sản vùng ven và các tỉnh giảm sức hút một phần là do đại dịch Covid–19 đang diễn biến phức tạp, một phần là do dư âm của cơn sốt đất hồi đầu năm. Trong cơn sốt, phần lớn nguồn tiền đã được các nhà đầu tư huy động để gom đất, khiến cho giá đất tại một số nơi tăng nóng và thiết lập mặt bằng giá mới rất cao. Điều này khiến cho khi cơn sốt qua đi, giá bất động sản quá cao khiến cho nhu cầu tìm kiếm tại các khu vực này giảm xuống mức rất thấp. Lúc này, nguồn tiền của giới đầu tư không còn để có thể tiếp tục đẩy giá lên cao hơn nữa, trong khi đó người có nhu cầu thực lại không thể mua được với mức giá mới, khiến cho thị trường rơi vào cảnh thiếu người mua – kẻ bán.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù có rất ít giao dịch trong thời gian gần đây nhưng giá bất động sản tại một số khu vực chưa có dấu hiệu giảm, ngoại trừ một số nơi xảy ra “sốt ảo” đã tụt dốc không phanh thì đa số đều thiết lập mặt bằng giá mới và đi ngang. Cá biệt tại một số khu vực có tiềm năng phát triển thật sự, có hạ tầng giao thông bài bản và thu hút nhiều người dân trong độ tuổi lao động trong xu hướng đột phá của thị trường bất động sản công nghiệp thì vẫn tăng giá. Chính vì vậy các chuyên gia dự báo trong thời gian từ nay tới cuối năm, thị trường sẽ phân hóa mạnh mẽ hơn chứ không còn cảnh lên cơn sốt toàn thị trường, khi đó chỉ những nơi có tiềm năng phát triển thật mới có thể thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư.