Tình hình dịch bệnh Covid – 19 trở nên phức tạp hơn trong thời gian gần đây khiến cho xu hướng “bỏ phố về quê” đang trở nên phổ biến hơn. Sau cơn sốt đất vùng ven hồi đầu năm do các thông tin về hạ tầng, nay những nhà đầu tư chú ý hơn tới các yếu tố “gần gũi với tự nhiên” của bất động sản để làm nơi nghỉ dưỡng.
Đất quê lên “cơn sốt”
Phải thừa nhận, không phải bây giờ phân khúc đất vườn, trang trại mới thu hút nhà đầu tư mà xu hướng này đã bắt đầu âm ỉ từ cách đây hơn 1 năm, từ khi Covid–19 mới bùng phát tại Việt Nam và yêu cầu giãn cách toàn xã hội được Chính phủ ban hành. Nhu cầu tìm một nơi cách xa trung tâm để vừa làm nơi nghỉ dưỡng, vừa “giãn cách” với xã hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng và thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của giới thượng lưu. Thậm chí, những người có kinh nghiệm trong ngành bất động sản còn có thể nhận ra, cách đây hơn 10 năm cũng đã từng có một cơn sốt “nhà vườn, trang trại” như vậy tại các địa phương lân cận Hà Nội như Ba Vì, Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Bình...
Đầu năm nay cơn sốt “đất quê” có phần chững lại hơn do độ nóng của đất nền các tỉnh ăn theo thông tin về quy hoạch và phát triển hạ tầng. Tuy nhiên sau khi cơn sốt điên cuồng qua đi khiến cho thị trường bất động sản tại những nơi này rơi vào cảnh trầm lắng như tại Bắc Giang, Thanh Hóa... lúc này nhà đầu tư lại có xu hướng quay trở lại với các bất động sản có yếu tố gần gũi với thiên nhiên, thích hợp làm nhà vườn.
Trước diễn biến dịch Covid–19 lần thứ 4 rất phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh thành, khiến cho nhu cầu “trú ẩn” ngày một cấp bách hơn đối với những người yêu cuộc sống an nhiên. Chính vì vậy gần đây, các lô đất có diện tích vừa phải, có cảnh quan đẹp ở những khu vực thích hợp làm trang trại, nhà vườn đều đang được săn đón. Đơn cử như tại Ba Vì, cách đây vài năm giá một lô đất từ 1.000 cho tới 3.000 m2 chỉ có giá vào tầm từ 500 cho tới 1 tỷ đồng/lô, thì hiện tại giá đã lên tới mức từ 2 – 4 tỷ đồng/lô, tùy vào vị trí và đường xá xung quanh. Hay tại huyện Sóc Sơn, các xã như Minh Trí, Xuân Giang, Quang Tiến trước đây giá còn khá hợp lý, người mua chỉ cần có số tiền từ 1 – 1,5 tỷ là đã thoải mái chọn lựa được mảnh đất ưng ý thì nay giá đều đã tăng gấp từ 2 cho tới 3 lần.
Tại một số khu vực vẫn còn dư âm của cơn sốt như Thạch Thất, Quốc Oai hay Hòa Lạc thì giá để sở hữu nhà vườn khá cao ở mức 3 -5 tỷ, thậm chí những lô lớn tại một số xã Tiến Xuân, Yên Bình thuộc Hòa Lạc được môi giới hét giá từ 8 – 12 tỷ đồng/lô.
Thực tế xu hướng “bỏ phố về quê” đang ngày một phổ biến hơn, tuy nhiên ăn theo cơn sốt đất khiến cho nhiều khu vực bị môi giới lợi dụng đẩy lên mức giá cao phi lý. Theo một môi giới nhiều kinh nghiệm tại Sóc Sơn, giới đầu tư nhà vườn để xây dựng ngôi nhà thứ 2 đa phần tìm mua những mảnh có giá trị vừa phải từ 2 – 3 tỷ đồng/lô, những lô đất rao giá quá cao thực tế không có giao dịch. Người mua của phân khúc đất này có 2 xu hướng chính: một là giới nhà giàu đã chán cảnh xô bồ nơi thành phố, muốn kiếm một mảnh đất gần thiên nhiên để “trồng rau, nuôi gà”, hai là những nhà đầu tư mua để xây dựng mô hình homestay nhằm phục vụ mục đích kinh doanh. Chính vì vậy yêu cầu đối với phân khúc này đối với 2 tệp khách hàng này cũng có những điểm khác nhau. Nếu như giới nhà giàu ưu tiên các mảnh đất không quá xa trung tâm để tiện đi lại, thì giới kinh doanh homestay lại ưu tiên những khu vực có phong cảnh và câu chuyện du lịch hấp dẫn.
Theo các chuyên gia, phân khúc bất động sản nhà vườn, trang trại tuy không mới nhưng nhà đầu tư vẫn phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc sao cho phù hợp với nhu cầu của bản thân. Nhắc lại bài học cách đây hơn 10 năm về trước, khi đó rất nhiều người đã ôm mộng “bỏ phố về vườn” để rồi phải vỡ mộng. Nhiều trang trại, nhà vườn rộng hàng nghìn mét vuông bị bỏ hoang, trong khi đó lại phải gánh chi phí thuê người trông nom, bảo trì, bảo dưỡng nếu không các công trình ngày một xuống cấp.