Khác với thời điểm nhộn nhịp và sôi động cách đây vài tháng, thị trường bất động sản tại một số nơi rơi vào cảnh “chợ chiều” vô cùng trầm lắng. Cơn sốt “ảo” đã đẩy giá đất tại những nơi này lên cao nhanh chóng, để rồi giờ đây nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận “cắt lỗ” sâu mà vẫn không có người mua.

Nhà đầu tư “ngoảnh mặt” với bất động sản cắt lỗ sâu

Giá giảm mạnh nhưng khó bán

Theo chân một môi giới bản địa, chúng tôi tới khu vực xung quanh sân bay Técníc cũ thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Đây là nơi đã diễn ra cơn sốt ảo điên cuồng hồi đầu năm 2021 bởi tin đồn địa phương đề xuất chuyển đổi Técníc từ một sân bay quân sự thành sân bay đa dụng. Khi đó, dù mới chỉ là đề xuất từ một phía của tỉnh Bình Phước, nhưng giới đầu cơ đã nhanh chóng nhập cuộc để biến những khu đất hoang quanh đây trở thành những mảnh đất nền đắt giá tới nhiều tỷ đồng.

Đặc biệt tại 2 xã Tân Lợi và An Khương, nếu thời điểm cuối năm 2020 giá những lô đất mặt đường rộng từ 500 – 700m2 có giá chỉ chưa tới 300 triệu đồng/lô thì trong cơn sốt đã lên tới 3 – 5 tỷ đồng/lô. Với những lô xấu hơn, nằm trong sâu thì giá trước kia từ 100 – 150 triệu đồng/lô và cũng hiếm khi có giao dịch, thì nay được đẩy lên hơn 1 tỷ đồng/lô. Lợi dụng cơn sốt, nhiều lô đất có giá trị gấp 10, 20 lần so với trước đó chỉ 1, 2 tháng.

Do Bình Phước là thủ phủ của cao su, các lô đất lớn rộng vài héc ta trước đây chủ yếu được dùng để trồng cây cao su thì nay trong cơn sốt có giá trị lên tới 20 – 30 tỷ đồng. Mức giá khiến cho ngay cả những đại gia thứ thiệt cũng cảm thấy choáng váng, nhưng mấy ai biết cách đó không lâu những lô đất này được rao bán chỉ từ 2 – 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơn sốt này cũng nhanh chóng bị dập tắt như bao cơn sốt ảo khác đã từng diễn ra trong mấy năm trở lại đây. Hệ lụy là lại có 1 lớp những nhà đầu tư bị cho “leo cây” và “đu đỉnh”, bởi tính tới thời điểm hiện tại giá đất tại một số nơi như Tân Lợi và An Khương đã trở về vùng giá trước khi lên cơn co giật. Tại những nơi này, những nhà đầu tư hiện đang muốn “cắt lỗ” cũng rất khó tìm được người mua bất chấp rao giá rất thấp.

Hàng loạt điểm "sốt đất" trước đó rơi vào cảnh trầm lắng

Nhìn rộng ra, cơn sốt đất đầu năm 2021 không chỉ xảy ra tại Bình Phước mà một số nơi như Bắc Giang, Đông Anh (Hà Nội) và một số khu vực vùng ven Hà Nội cũng bị đẩy giá lên khá nhiều so với cách đó ít tháng. Tại những điểm nóng này, hiện tại không khí giao dịch cũng vô cùng trầm lắng, người mua thì ít mà người rao bán “cắt lỗ” thì đếm không xuể. Đơn cử tại Bắc Giang, trong cao điểm hồi đầu năm giá đất tại những khu công nghiệp như Vân Trung (huyện Việt Yên) hay Nội Hoàng (huyện Yên Dũng) chạm mức gần 40 triệu đồng/m2 thì nay giá rao chỉ còn bằng một nửa so với lúc trước.

Hay tại Đông Anh, môi giới tại đây lợi dụng thông tin quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng để đẩy giá đất lên mức cao gấp đôi so với trước đó, khiến cho nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt khi cơn sốt qua đi. Hiện tại, giá đất tại những khu vực sốt nóng tại Đông Anh đã giảm sâu, nhiều nhà đầu tư rao cắt lỗ trên các hội nhóm nhưng rất khó giao dịch.

Thực tế hiện nay, trên các hội nhóm môi giới, nhiều chiêu trò được đưa ra với hình thức “cắt lỗ”, được môi giới quảng cáo là cơ hội vàng để có thể “bắt đáy” thị trường. Mặc dù vậy, khác với giai đoạn trước những nhà đầu tư hăm hở vào săn hàng giá rẻ thì giờ đây có vẻ như họ khá thờ ơ. Một phần do tâm lý e dè đại dịch Covid–19 đang diễn biến phức tạp, nhưng lý do lớn nhất là các nhà đầu tư sành sỏi đều hiểu không phải nơi nào cũng có thể “bắt đáy”. Họ chỉ xuống tiền nếu như khu vực đó có mức giá hợp lý và tiềm năng phát triển thật trong tương lai.