Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đang lan rộng với diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM khiến cho phân khúc bất động sản thương mại bị ảnh hưởng nặng nề. Vòng xoáy giảm giá chưa có dấu hiệu ngừng lại, trong khi đó nhu cầu thuê để kinh doanh cũng không nhiều, chính vì vậy nhiều chủ nhà đã mất khách thuê khi không chịu xuống giá.

Nghịch lý trên thị trường bất động sản thương mại

Mất khách vì tăng tiền thuê tới 30%

Chia sẻ câu chuyện với phóng viên, chủ một phòng khám đa khoa với gần 30 nhân viên ngậm ngùi cho biết vừa chấp nhận trả lại mặt bằng đã hoạt động ổn định gần 10 năm do đã quá sức chịu đựng. Suốt một năm trước do tình hình dịch bệnh, nhiều lần phòng khám phải đóng cửa nhưng vẫn cố gắng cầm cự với hy vọng sang năm 2021 tình hình sẽ khả quan hơn. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, chủ phòng khám nhiều lần đề nghị với chủ nhà hỗ trợ giảm giá nhưng đều không nhận được sự hợp tác. Do đã hoạt động quen tại địa điểm này nên chủ phòng khám cũng chi trả để không phải chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên đỉnh điểm là tới tháng 5 vừa qua, phía chủ thông báo sẽ tăng giá thuê thêm 30% với lý do “tiền mất giá”, điều này khiến cho chủ phòng khám đành chấp nhận trả lại mặt bằng để tìm địa điểm mới.

Trên thực tế câu chuyện như của chủ phòng khám trên không phải là hiếm, bởi bên cạnh những chủ nhà tâm lý đã đồng ý giảm giá cho thuê để hỗ trợ khách hàng trong tình hình kinh doanh khó khăn chung thì lại có những người chủ nhà dựa vào vị trí đắc địa của căn nhà để ép khách thuê phải chịu tăng giá. Nhiều doanh nghiệp do đang hoạt động quen, lại đã mất tiền để sửa sang, đầu tư vào mặt bằng cho thuê nên ngại thay đổi địa điểm. Lợi dụng tâm lý này của khách hàng, nhiều chủ nhà “không có tâm” đã ép người thuê tăng giá bất chấp hoạt động kinh doanh của họ đang bị đình trệ.

Như với trường hợp của anh Ngô Tiến Đạt, chủ một cửa hàng kinh doanh nội thất ở đường Tô Hiến Thành, quận 10 cho biết anh cũng vừa buộc phải trả mặt bằng do yêu cầu quá đáng từ phía chủ nhà. Anh cho biết, hàng tháng riêng tiền thuê mặt bằng đã mất hơn 100 triệu, trong thời điểm bình thường thì cửa hàng của anh vẫn đủ khả năng để chi trả khoản tiền này. Tuy nhiên hợp đồng thuê 3 năm của anh vừa mới hết hạn vào đầu năm 2021, phía chủ nhà ngay lập tức đòi tăng giá cho thuê lên 25% bởi theo họ, giá nhà đất hiện tại lên rất cao do đó giá cho thuê cũng phải tăng theo cho phù hợp với trị giá ngôi nhà!?

Bất chấp anh Đạt thương lượng bằng nhiều cách để giữ nguyên giá thuê, nhưng chủ nhà vẫn nhất quyết đòi tăng giá, nếu không sẽ đòi lại mặt bằng. Không thể tìm được tiếng nói chung, anh Đạt buộc phải trả lại mặt bằng và tạm thời đóng cửa để chờ qua dịch tìm địa điểm mới phù hợp hơn. Anh chia sẻ, năm ngoái tranh thủ thời gian dịch bệnh vắng khách đã sửa sang và trang trí lại toàn bộ mặt bằng với chi phí gần 200 triệu đồng, nay trả lại mặt bằng như vậy là anh đã chịu thiệt đơn thiệt kép nhưng cũng đành chấp nhận vì không thể chịu nổi yêu cầu tăng giá vô lý của chủ nhà trong thời điểm kinh doanh bấp bênh như hiện tại.

Nhu cầu thuê mặt bằng sụt giảm 10 - 15%

Theo các số liệu thống kê từ thị trường bất động sản thương mại, tại TP.HCM từ đầu năm tới nay nhu cầu thuê mặt bằng, nhà phố đã sụt giảm từ 10 – 15% so với cùng kỳ. Dọc các tuyến phố lớn rất nhiều cửa hàng đăng biển cho thuê, cho thấy tỷ lệ lấp đầy đang ở mức thấp kỷ lục. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng toàn thành phố như hiện nay, xu hướng giảm giá cho thuê đang diễn ra trên diện rộng. Bởi vậy đối với những chủ nhà không hỗ trợ khách hàng, rất có thể sẽ phải chịu cảnh để trống mặt bằng trong vài tháng.

Theo các chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều triển vọng và tiềm năng phát triển, tuy nhiên trong ngắn hạn ảnh hưởng của đại dịch là điều khó tránh khỏi. Vì vậy chủ nhà nếu có thể chia sẻ với người thuê là điều tốt nhằm giữ chân khách hàng. Bởi nếu không tìm được tiếng nói chung thì cả hai bên đều sẽ là người chịu thiệt, người thuê thì mất chi phí sửa sang, mất khách, còn chủ nhà đứng trước nguy cơ không tìm được khách thuê mới trong thời gian dài.