Tốc độ thanh khoản của thị trường bất động sản đang chậm lại đáng kể so với trước khi dịch Covid – 19 lần thứ 4 diễn ra, đặc biệt ở các phân khúc như biệt thự, căn hộ cao cấp, nhà liền kề và kể cả đất nền.

Thị trường bất động sản phân hóa mạnh trong nửa cuối năm 2021

Dòng tiền đang do dự

So với các đợt dịch trước, đợt dịch lần này gây tác động mạnh hơn hẳn do quy mô bùng phát dịch và tâm điểm hiện nay đang là TP.HCM vốn được coi là đầu tàu kinh tế của đất nước. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản, đặc biệt là tới tâm lý của các nhà đầu tư. Đà giảm tốc đã ngày một rõ rệt hơn trong vòng 2 tháng gần đây, khi tốc độ thanh khoản của hầu hết các phân khúc bất động sản đều chững lại. Theo các chuyên gia, việc dòng tiền do dự tại thời điểm này và trong thời gian tới có thể sẽ khiến cho sự phân hóa trên thị trường đậm nét hơn.

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM cho biết thị trường bất động sản phía Nam, trong đó chủ yếu là TP.HCM đã cảm thấy tác động nặng nề của dịch bệnh lần này. Mặc dù giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp vẫn cho thấy dấu hiệu tăng tuy nhiên giá tại thị trường thứ cấp đã chững lại và khó giao dịch hơn trước.

Đối với phân khúc căn hộ, ông Nghĩa đánh giá do nguồn cung và nhu cầu đều chững lại và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, trong khi đó phân khúc biệt thự và nhà liền thổ sẽ khó thanh khoản hơn do tổng tài sản tương đối lớn, chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có nguồn vốn dài hạn khá dồi dào. Theo ông Nghĩa, việc thị trường chậm lại cũng sẽ khiến mức độ phân hóa diễn ra cao hơn, trong đó ông đánh giá cao bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là phân khúc nhà liền kề tại các tỉnh đang thu hút được làn sóng dịch chuyển công nghiệp. Tuy nhiên giá của phân khúc này sẽ tăng trưởng cao nếu như dịch bệnh Covid – 19 sớm được kiểm soát để không bị ảnh hưởng quá nặng tới hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp lớn.

Đối với thị trường bất động sản bán lẻ và mặt bằng cho thuê, theo vị chuyên gia này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nhất và đây chưa phải ưu tiên của các nhà đầu tư vào giai đoạn này, tuy nhiên nếu trong 2 quý cuối năm nước ta hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng vắc-xin và kiểm soát tốt dịch bệnh, phân khúc này sẽ hồi phục nhanh nhất do nhu cầu kinh doanh sẽ bùng nổ trở lại. Xu hướng mới cũng sẽ hướng tới các khu vực nằm xa trung tâm hơn, bởi dư địa và tiềm năng phát triển còn rất nhiều.

Trao đổi với ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia của Savills Việt Nam, ông cho biết khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề thì thị trường bất động sản sẽ khó tránh khỏi các tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, ông đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam bởi nhu cầu của người dân còn rất lớn. Tuy nhiên, trong 2 quý cuối năm 2021 sẽ rất khó khăn để đạt mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch Covid, do đó về vĩ mô sẽ kém tích cực hơn dự đoán hồi đầu năm. Dưới tác động của đợt dịch này, ông cho rằng các doanh nghiệp bất động sản có nền tảng tài chính không vững vàng có thể sẽ rơi vào tình trạng “khát vốn” do đã quá sức chịu đựng. Việc các công ty chuyển từ trạng thái chủ động sang “ngủ đông” và thắt chặt lại về quy mô để vượt qua giai đoạn khó khăn này là điều rất có thể sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2021.