Thị trường rơi vào thời kỳ giảm tốc do chịu nhiều tác động từ quản lý vĩ mô cho tới ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19. Điều này đã kéo theo sự sụt giảm mạnh nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực bất động sản trong 8 tháng đầu năm, trong khi đó triển vọng hồi phục trong các tháng cuối năm còn khá mơ hồ.
Thị trường ảm đạm, doanh nghiệp giải thể tăng nhanh
Theo dữ liệu thống kê cho thấy, nguồn cung nhà ở của toàn bộ thị trường đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Điều này đến từ chính sách quản lý chặt chẽ về pháp lý dự án, đặc biệt là tại các dự án có liên quan tới đất công. Quy mô toàn thị trường theo đó cũng sụt giảm mạnh, lượng dự án mới được triển khai trong 6 tháng đầu năm giảm tới hơn 30% so với thời kỳ cao điểm những năm trước. Một số dự án được giải quyết các vướng mắc về vấn đề pháp lý, tuy nhiên chỉ ghi nhận 9 dự án mới, còn lại đa số là các dự án cũ được điều chỉnh quy hoạch. Lượng dự án đủ điều kiện huy động vốn cũng giảm kỷ lục 78,8%, điều đó cho thấy tình trạng khó khăn của các chủ đầu tư khi muốn triển khai các dự án.
Mặc dù nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân vẫn ở mức cao, nhưng do nền kinh tế gặp khó khăn đã ảnh hưởng lớn tới khả năng chi trả của đại đa số người dân. Thống kê cho thấy số lượng giao dịch căn hộ giảm tới gần 1 nửa so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đối với phân khúc đất nền, nhà phố và biệt thự, nhu cầu mua để đầu tư cũng đã giảm mạnh do tính chất đầu cơ đã không còn đem lại nhiều lợi nhuận như trước. Một nghịch lý trên thị trường đó là dù giao dịch không nhiều nhưng giá bất động sản gần như không giảm, thậm chí có những nơi còn ghi nhận đà tăng. Nguyên nhân chủ yếu được cho rằng do thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá bất động sản lên một mức cao chưa từng có, đặc biệt tại TP.HCM. Đơn cử như tại một số dự án căn hộ được xếp vào loại trung cấp, nhưng mức giá hiện tại đều đạt ở ngưỡng 43 triệu/m2, tương đương với phân khúc cao cấp trước đó.
Ý kiến của chuyên gia
Các chuyên gia cho rằng sự méo mó của thị trường hiện tại nằm ở vấn đề lệch pha cung – cầu. Với việc giá bán của các dự án đều bị đẩy lên cao, khiến cho nhiều dự án trước đó chỉ ở mức trung bình thấp nay đã lọt vào tầm giá của phân khúc trung – cao cấp. Mức giá tăng không đi đôi với chất lượng và các dịch vụ, tiện ích đi kèm, tuy nhiên lại khiến tổng cung của phân khúc căn hộ trung – cao cấp tăng mạnh. Trong khi đó, nhu cầu thật sự trong giai đoạn hiện nay nằm chủ yếu ở phân khúc bình dân và trung cấp. Sự lệch pha này có thể dẫn tới sự bất ổn cho thị trường, khiến cho sự phát triển của thị trường thiếu bền vững, khi mà cái cần thì không có đủ và cái không cần thì lại quá thừa thãi. Điều này cũng dẫn tới lượng hàng tồn của các doanh nghiệp bất động sản tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Đại dịch ập đến cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp trên thị trường bất động sản phải giải thể khi khi các chi phí quản lý, chi phí lãi vay, chi phí trả lương cho nhân viên đều là gánh nặng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, rất nhiều sàn giao dịch bất động sản quy mô nhỏ và vừa đã phải tạm thời đóng cửa hoặc cắt giảm nhiều nhân sự để có thể duy trì. Thống kê từ Cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho thấy, BĐS là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng kinh doanh lớn nhất trong tất cả các ngành. Điều này đã gián tiếp ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của nhà nước trong lĩnh vực bất động sản, khi mà tính riêng 8 tháng đầu năm nay mới chỉ có 4.453 tỷ đồng được nộp vào ngân sách, giảm hơn 1 nửa so với năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, khả năng phục hồi trong 3 tháng cuối năm gần như là không nhiều bởi các tín hiệu tích cực chưa xuất hiện. Trong khi đó, đại dịch đã làm thay đổi rất nhiều nhận thức và hành vi của người mua nhà. Khả năng tác động của đại dịch sẽ còn duy trì ít nhất trong vòng 1 đến 2 năm sắp tới, vì vậy để có thể tồn tại và phát triển, các chủ thể trên thị trường cần chủ động thay đổi để thích ứng với một thời kỳ mới đầy thử thách.
(Tổng hợp bởi odt.vn)