Thời gian qua có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng do tác động của đại dịch Covid – 19. Các sản phẩm từng một thời được giới đầu tư ưa chuộng như condotel, biệt thự biển gần như trong trạng thái đóng băng với thanh khoản thấp kỷ lục. Mặc dù vậy, trong khó khăn của toàn thị trường vẫn còn đó một vài điểm sáng hiếm hoi thu hút giới đầu tư.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm, nhà đầu tư vẫn xuống tiền

Cắt lỗ sâu vẫn không có giao dịch

Không phải chỉ đến khi đại dịch ập đến người ta mới thấy khó khăn và thách thức đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, bởi ngay từ giai đoạn cuối năm 2018 cho đến hết 2019, thị trường này đã xuất hiện các dấu hiệu bất ổn. Sự giảm tốc đến sau quá trình tăng trưởng quá nhanh của các loại hình bất động sản kiểu mới như căn hộ du lịch (Condotel), biệt thự nghỉ dưỡng dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu. Không những vậy, chỉ sau vài năm đi vào hoạt động, nhiều chủ đầu tư đã gặp khó trong việc thực hiện cam kết về lợi nhuận như trong hợp đồng, điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho giới đầu tư. Liệu rằng các cam kết lợi nhuận có thực sự được đến từ hiệu quả trong việc khai thác kinh doanh hay chỉ là chiêu trò bánh vẽ của các chủ đầu tư?

Và khi tất cả còn đang hoang mang trong một mớ rắc rối từ lùm xùm phá bỏ cam kết lợi  nhuận của các chủ đầu tư lớn, vấn đề pháp lý không được giải quyết thì Covid – 19 ập tới như một cú bồi chí mạng vào thị trường này. Ai cũng hiểu, thị trường nghỉ dưỡng chỉ có thể hoạt động một cách hiệu quả khi thị trường du lịch phát triển, vậy nên khi đại dịch xảy ra đã khiến cho ngành du lịch, khách sạn gần như bị “đóng băng” thì tác động lên thị trường nghỉ dưỡng là vô cùng lớn. Tại các thị trường du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, tình trạng bán tháo khách sạn, homestay đã diễn ra ngày một nhiều. Với loại hình condotel và biệt thự nghỉ dưỡng, mặc dù nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ sâu nhưng cũng gần như không có giao dịch.

Thực tế ghi nhận tại thị trường nổi tiếng về du lịch tại miền Trung như Khánh Hòa cho thấy, một căn codotel có giá 1,5 tỷ nằm tại Bãi Dài (Cam Ranh) mặc dù nhà đầu tư đã chấp nhận cắt lỗ tới 250 triệu đồng nhưng suốt nhiều tháng nay vẫn chưa giao dịch được. Hoặc ngay tại Nha Trang, một căn biệt thự biển có giá trị 12 tỷ, mặc dù đã rao cắt lỗ tới 1 tỷ đồng, nhưng khách mua chỉ đồng ý giá mua dưới 10 tỷ họ mới “xem xét” xuống tiền. Chuyện các nhà đầu tư condotel bị ép giá trong thời gian qua không hiếm, đơn cử như tại Đà Nẵng, những căn hộ view sông Hàn từng một thời là “hàng hot” nay bị cắt lỗ từ 400 – 500 triệu / căn mà vẫn khó gặp khách mua thật sự muốn xuống tiền.

Những điểm sáng hiếm hoi

Tuy nhiên, xét trên toàn bộ thị trường vẫn có những điểm sáng hiếm hoi về giao dịch. Đó chính là tại các thị trường du lịch mới như Phú Yên, Bình Thuận, Lâm Đồng... tại đây vẫn ghi nhận tình trạng có giao dịch, mặc dù cũng không thật sự sôi động. Đáng chú ý, lượng rao bán cắt lỗ tại các thị trường này rất hiếm gặp. Lý giải cho điều này, các nhà đầu tư tại đây cho rằng mức giá tại đây còn thấp so với các thị trường du lịch truyền thống, chính vì vậy dù cho giá có đi ngang nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn còn nhiều. Hiện tại với mức giá chỉ khoảng 500 triệu cho một căn hộ condotel, khá mềm nếu so với mức giá rẻ nhất tại các thị trường như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Trong khi đó, giá cho một căn biệt thự nghỉ dưỡng tại các thị trường mới nổi cũng khá hấp dẫn, chỉ từ 4 – 5 tỷ đồng một căn, chưa bằng một nửa tại thị trường cũ.

Bên cạnh đó, cũng chính vì số tiền bỏ ra để đầu tư tại đây thường tương đối thấp, do đó nhà đầu tư không chịu nhiều áp lực về tài chính và bắt buộc phải cắt lỗ như tại các thị trường khác, hoặc nếu cần bán gấp cũng chỉ cần giảm chút ít là đã có thanh khoản. Bởi nhiều người nhận định, một khi đại dịch được kiểm soát và ngành du lịch bắt đầu chu kỳ hồi phục, những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đang có mức giá thấp sẽ có dư địa tăng trưởng cao hơn hẳn các sản phẩm khác cùng phân khúc.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)